Đời sống

Tranh cãi của nữ nhà văn "gà mái nuôi con": "Mẹ đơn thân đơn giản là một lựa chọn của người phụ nữ!"

“Tôi không chủ ý tô hồng chuyện làm mẹ đơn thân và cũng chẳng có ý khuyến khích bất kỳ ai chọn con đường này. Chỉ là cuộc sống đã quá đầy những mệt mỏi và muộn phiền nên nếu được lựa chọn, tôi chỉ ghi chép lại những gì vui vẻ nhất và hạnh phúc nhất."

Profile nhân vật: Nữ nhà văn - mẹ đơn thân Cao Bảo Vy, sinh năm 1983.

Từng được giải Nhất cuộc thi "Cửa sổ tâm hồn" lần II do Báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2008.

Các sách đã từng xuất bản: Nghe socola kể chuyện tình, Hẹn nhau ngày 28, Yêu.

Hiện chị đang giữ chức vụ Trưởng Bộ phận Marketing ở một ngân hàng nước ngoài.

Là một người mẹ đơn thân, một phụ nữ không mạnh mẽ nhưng luôn dũng cảm và biết cách yêu thương chính mình, Cao Bảo Vy - nữ nhà văn từng "làm mưa gió" trên cộng đồng mạng với truyện ngắn Hẹn nhau ngày 28, vẫn luôn đầy tinh tế và đầy xúc cảm.  

"Cuộc đời không bằng phẳng, đó là điều tất cả chúng ta đều biết nhưng thỉnh thoảng chúng ta lại quên mất rằng dù sao đi nữa, những điều tươi đẹp vẫn luôn ở đó, vẫn hiện diện và cứu rỗi tâm hồn bạn. Và đó mới chính là điều quan trọng nhất!" - đâu đó, người phụ nữ từng trải lại hí hoáy viết. Và liệu rằng, khi đề cập đến một chủ đề nhạy cảm mà chị đang phải đối mặt: "Mẹ đơn thân", chị sẽ đối đáp ra sao? Liệu còn là những ngọt ngào socola, hay chuyển vị đắng chát tê đầu lưỡi? Vậy thì, độc giả kính mến, hãy cùng lặng, và ngấm từng chữ - từng mảnh vụn của một cuộc tình không hoàn hảo, mà nữ nhà văn đã khép lại một cách đầy êm thấm.

Tranh cãi của nữ nhà văn gà mái nuôi con: Mẹ đơn thân đơn giản là một lựa chọn của người phụ nữ! - Ảnh 2.

Ảnh: Fine Art America

Xin chào chị Vy. Chị bắt đầu làm mẹ đơn thân từ khi cô công chúa nhỏ của mình được bao nhiêu tuổi?

Tôi bắt đầu làm mẹ đơn thân từ cách đây 3 năm, khi con gái của tôi được 4 tuổi. Nguyên nhân ly hôn của tôi giống như lời một vị thẩm phán từng nói mà tôi có dịp nghe được: "Chỉ có 10% các cuộc ly hôn diễn ra vì những bi kịch không thể cứu vãn, còn 90% ly hôn vì những bất hòa vụn vặt thường ngày" - cuộc hôn nhân của tôi đã kết thúc theo cách mà 90% các cuộc hôn nhân khác đã kết thúc.

Tranh cãi của nữ nhà văn gà mái nuôi con: Mẹ đơn thân đơn giản là một lựa chọn của người phụ nữ! - Ảnh 3.

Chị đã từng viết rằng: "Những người mẹ đơn thân dũng cảm, họ mạnh mẽ một thôi nhưng họ dũng cảm đến mười lần!" Vậy ở đây, phải chăng dũng cảm chính là điều kiện giúp họ mạnh mẽ hơn? Chị có nghĩ mình phải học cách "gồng mình" để đương đầu thế giới không?

Có một câu nói bảo rằng: "Bạn sẽ không biết bạn mạnh mẽ đến thế nào, cho đến khi mạnh mẽ là lựa chọn duy nhất của bạn". Tôi cho rằng mạnh mẽ là một bản năng sinh tồn của con người, những người càng trong nghịch cảnh thì lại càng mạnh mẽ. Sự mạnh mẽ không phải là một lựa chọn mà là cách họ vượt qua giông bão của cuộc đời này. Nhưng dũng cảm lại là một sự lựa chọn. Tôi nói ví dụ một người phụ nữ có chồng lăng nhăng nhưng cắn răng cam chịu. Đến khi anh chồng đòi ly hôn, cô ấy phải đành ly hôn và sau đó tìm cách vượt qua.

Người phụ nữ khác khi phát hiện chồng ngoại tình đã kiên quyết ly hôn. Người phụ nữ thứ nhất có thể mạnh mẽ hoặc không nhưng chắc chắn là không dũng cảm. Người phụ nữ thứ hai có thể không mạnh mẽ nhưng lại rất dũng cảm. Đó chính là sự khác biệt. Tôi bảo những người mẹ đơn thân họ mạnh mẽ một thôi nhưng dũng cảm đến mười bởi vì phải rất dũng cảm mới dám lựa chọn con đường này. Còn mạnh mẽ, suy cho cùng, nó chỉ đi theo sau sự dũng cảm như một tất yếu, nếu bạn muốn sống sót và muốn con mình sống sót. Với đàn bà, tôi nghĩ không cần phải mạnh mẽ nhưng cần phải dũng cảm để quyết định cuộc đời mình theo cách mà mình muốn.

Tranh cãi của nữ nhà văn gà mái nuôi con: Mẹ đơn thân đơn giản là một lựa chọn của người phụ nữ! - Ảnh 4.

Tôi chưa bao giờ "gồng mình" để đương đầu với thế giới này và tôi cũng không có ý định đó. Tôi chỉ đơn giản là làm những điều cần làm, buông bỏ những chuyện nên buông và suy nghĩ một chút về những dự định sắp đến. Nếu có điều gì đó tôi cần học, có lẽ là nên kiểm soát cảm xúc tốt hơn, để ít bị những chuyện bên ngoài tác động đến tâm trạng của mình.

Chị có ý định tìm "một nửa" phù hợp hơn với mình trong tương lai, để đem đến cho chị và bé Ri những hạnh phúc, niềm vui mà bé chưa từng có được?

Tôi chưa từng nghĩ rằng con gái tôi không có đủ hạnh phúc và niềm vui như những đứa trẻ khác. Tôi không hiểu vì sao người ta cứ nhìn vào mẹ đơn thân và những đứa con của mẹ đơn thân như một sự thương hại, trong khi bản thân người phụ nữ và con của cô ấy không hề cảm thấy là mình bất hạnh. Con tôi sống trong tình thương ngập tràn của bố mẹ, ông bà nội và ông bà ngoại. Sáng mẹ chở đi học, chiều bố đón về, cuối tuần về thăm ông bà. Mỗi ngày, con đều ăn sáng và ăn tối cùng mẹ. Trước khi ngủ, mẹ đều đọc sách và tám chuyện với con. Con được đi học đầy đủ, đi xem phim, chơi thể thao và du lịch. Con biết tự chăm sóc bản thân, rửa bát, phơi đồ, gấp đồ, theo mẹ tham gia các phiên chợ từ thiện… Tôi thật không nghĩ ra một đứa trẻ còn cần gì nhiều hơn thế. Nên tôi không nghĩ rằng mình cần phải bù đắp gì thêm cho bé từ một cuộc hôn nhân thứ hai.

Tranh cãi của nữ nhà văn gà mái nuôi con: Mẹ đơn thân đơn giản là một lựa chọn của người phụ nữ! - Ảnh 5.

Tôi vẫn tin vào tình yêu và tôi cũng tin rằng đàn bà thì cần đàn ông. Tôi không phủ nhận điều ấy nhưng bảo có đi tìm không thì không. Vì tình yêu không phải là thứ mà chúng ta có thể tìm được. Đó là nhân duyên nên nó sẽ tự đến. Còn nếu nó không đến thì tôi vẫn có những cách khác để tự cân bằng cuộc sống của mình. Tóm lại, tôi vẫn hy vọng vào tình yêu nhưng tôi không trông đợi nó. Chuyện gì đến thì sẽ đến.

Khi làm mẹ đơn thân, đứa con sẽ là người chịu tổn thương nhiều nhất. Ngoài việc hứng chịu những định kiến từ xã hội, đứa trẻ còn thiếu tình thương của người bố. Quan điểm của chị về vấn đề này ra sao? Chị có bao giờ tự hỏi tình yêu của mình dành cho bé Ri là đủ?

Để trả lời cho câu hỏi này, tôi chỉ muốn hỏi ngược lại rằng: "Bạn có chắc những đứa trẻ đang sống trong một gia đình đủ cha đủ mẹ thì có đủ tình thương của bố không?". Nếu câu trả lời là có thì những đứa trẻ của mẹ đơn thân mới thiệt thòi. Còn nếu không, vị thế của chúng là ngang nhau.

Tranh cãi của nữ nhà văn gà mái nuôi con: Mẹ đơn thân đơn giản là một lựa chọn của người phụ nữ! - Ảnh 6.

Tôi đã chứng kiến rất nhiều những câu chuyện xung quanh mình. Những đứa trẻ sống trong gia đình đủ cha đủ mẹ nhưng sự quan tâm của bố dành cho bé chưa chắc bằng được 50% như ba của con gái tôi đang làm. Có những ông bố chẳng đưa đón con đi học được một ngày, chẳng lo nổi tiền học phí một tháng cho con, thời gian chơi với con thì càng xa xỉ. Vậy thì "nhân vật" đang bị tổn thương ở đây là ai?

Tôi cho rằng tình thương của một người bố dành cho đứa trẻ không liên quan đến việc người bố và người mẹ có sống cùng nhau không. Nếu đã thương thì không ở cùng vẫn thương. Nếu đã không thương thì ngày ngày chạm mặt vẫn không thương. Nên tôi không nghĩ việc làm con của một người mẹ đơn thân sẽ khiến đứa trẻ thiếu tình thương của bố. Việc một đứa trẻ có được bố yêu thương đầy đủ hay không là chuyện giữa con và bố và người mẹ không có lỗi và cũng không có trách nhiệm bù đắp trong sự thiếu hụt này, nếu có. Bản thân người mẹ chỉ cần dành trọn vẹn tình yêu và sự chăm sóc cho con mình là đủ.

Còn về định kiến xã hội, bạn nhìn tôi có giống người quan tâm đến những điều ấy không? (Cười)

Gà mái nuôi con chưa bao giờ là chuyện đơn giản. Chị có suy nghĩ gì về thực trạng "mẹ đơn thân" hiện nay tại Việt Nam? Liệu mẹ đơn thân ở nước ta có đang chịu những thiệt thòi gì so với các nước khác?

Tranh cãi của nữ nhà văn gà mái nuôi con: Mẹ đơn thân đơn giản là một lựa chọn của người phụ nữ! - Ảnh 7.

Tôi không nghĩ mẹ đơn thân là một thực trạng ở Việt Nam. Tôi xem nó như một lựa chọn của người phụ nữ. Có người chọn lấy chồng, có người không, vậy thôi. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta ngừng xem những lựa chọn khác với mình là một thực trạng. Không phải chỉ vì 70% phụ nữ chọn lấy chồng thì 30% còn lại là thực trạng. Đó là một quan niệm mà theo tôi là rất buồn cười và ấu trĩ. Tôi cũng không nghĩ mẹ đơn thân ở Việt Nam đang chịu nhiều thiệt thòi so với các nước khác vì làm mẹ ở đâu mà chẳng vất vả và hạnh phúc? Nếu có thì có lẽ chỉ là định kiến xã hội, nhưng cá nhân tôi cho rằng khi đã dũng cảm chọn làm mẹ đơn thân thì người phụ nữ đã chẳng còn quan tâm đến chuyện ấy nữa.

Dự định của chị trong thời gian tới? Liệu là một câu chuyện đầy cảm hứng khác từ việc làm mẹ đơn thân?

Ba quyển sách đầu tiên của tôi là truyện ngắn và tản văn. Vậy nên, tôi đang định làm một điều gì đó mới mẻ hơn, như tiểu thuyết hoặc kịch bản phim chẳng hạn. Nhưng tôi chỉ đang nghĩ thôi, khi nào có thời gian lại tính tiếp! (Cười)

Cảm ơn chị, chúc chị yêu nhiều hơn, sống trọn vẹn hơn, và luôn rạng rỡ!

aFamily

nhà văn trẻ, mẹ đơn thân, mạnh mẽ, hôn nhân, chồng lăng nhăng, tình yêu, tổn thương


      © 2021 FAP
        2,327,510       6