Sống khỏe

Siêu khuẩn kháng thuốc có thể giết 10 triệu người mỗi năm

TTO - Sự xuất hiện ngày một nhiều của các siêu khuẩn kháng thuốc có thể khiến các tổn thương, viêm nhiễm nhỏ cũng có thể là nguyên nhân chết người.

Siêu khuẩn có thể trở thành sát thủ giết người hàng loạt nếu không được kiểm soát - Ảnh: BBC
Siêu khuẩn có thể trở thành sát thủ giết người hàng loạt nếu không được kiểm soát - Ảnh: BBC

Báo cáo của chính phủ Anh cảnh báo siêu khuẩn kháng thuốc có thể giết 10 triệu người mỗi năm và gây thiệt hại 100.000 tỉ USD trước 2050 nếu không được kiểm soát.

Báo cáo do nhà kinh tế Jim O'Neill dẫn đầu nhấn mạnh vấn nạn kháng thuốc sẽ không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân, bác sĩ mà cả ngành y tế và chính phủ.

“Chúng ta cần coi nó như một mối nguy an ninh và kinh tế và nên nằm ưu tiên trong suy nghĩ của các lãnh đạo quốc gia” -  AFP dẫn lời ông O’Neill nói.

Sự xuất hiện ngày một nhiều của các siêu khuẩn kháng thuốc có thể khiến các tổn thương, viêm nhiễm nhỏ trở nên chết người.

“Nếu không hành động, chúng ta sẽ tiến đến một thế giới nơi mà không có thuốc kháng sinh nào có thể điều trị cho con người” - ông O’Neill cảnh báo. Ứớc tính nạn kháng thuốc nếu không được kiểm soát có thể giết 10 triệu người mỗi năm và gây thiệt hại 100.000 tỉ USD trước 2050.

Báo cáo được thực hiện trong 18 tháng, kêu gọi việc giảm sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh như cắt giảm mạnh thuốc cấp cho các trại gia súc, ngăn việc kê đơn không cần thiết và tổ chức chiến dịch nâng cao nhận thức toàn cầu.

Nhưng điểm mấu chốt khác là phải thúc đẩy các nhà nghiên cứu phát triển những loại kháng sinh mới bằng một nguồn quỹ toàn cầu dành cho nghiên cứu và khen thưởng cho những người phát triển thành công thuốc mới.

“Kho vũ khí để chống siêu khuẩn của chúng ta đang cạn kiệt và cần được bổ sung” – ông O’Neill nói.

Báo cáo đề xuất một kế hoạch hành động trị giá 40 tỉ USD trong 10 năm tới. Ông O’Neill cho rằng con số này thấp hơn nhiều so với hậu quả của việc không làm gì.

Ông kêu gọi các công ty dược đóng góp khoảng 25 tỉ USD và phần còn lại có thể lấy từ ngân sách y tế của các nước hoặc đánh thuế những công ty dược phẩm không đầu tư vào nghiên cứu kháng sinh.

TRẦN PHƯƠNG
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        2,326,089       27