Sức khỏe

Tùy tiện bổ sung estrogen: Thần dược hóa độc dược

PN - “Không ít trường hợp bệnh nhân tự ý bổ sung estrogen dẫn đến mất cân bằng, quá liều. Đã có trường hợp bị nhân xơ tử cung, tăng sinh nội mạc tử cung, khối u vú…

Từ hồi xuân đến điều trị bệnh?

Ghé một cửa hàng trên đường Tân Hải (P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM), chúng tôi choáng ngợp trước một rừng thực phẩm chức năng (TPCN) bổ sung estrogen. Một người đàn ông tên H. đem ra một lọ có dòng chữ Evening Primrose Oil 1.000mg, hộp 365 viên, giá 1.080.000đ. Toàn bộ thông tin trên nhãn lọ thuốc đều bằng tiếng Anh. Ông H. huyên thuyên: “Đây là tinh dầu hoa anh thảo. Thời xa xưa, người da đỏ ở Bắc Mỹ đã sử dụng chữa trị vết thương vì có nhiều axít béo omega-6, giúp cân bằng hormone nữ, cải thiện da, tóc, móng. Đặc biệt sản phẩm (SP) còn giúp chuyển hóa mỡ, trị cao huyết áp, cholesterol, parkinson, dị ứng ngoài da, hội chứng mệt mỏi mạn tính”.

Khi chúng tôi chê SP quá đắt, ông H. giới thiệu một SP khác có tên Soy Isoflavones 750mg, hộp 120 viên, giá 390.000đ. SP này cũng không có nhãn phụ hoặc tiếng Việt. Theo quảng cáo của ông H., đây là tinh chất mầm đậu nành, có tác dụng như estrogen, giúp giảm các triệu chứng tiền mãn kinh, phòng chống loãng xương, alzheimer, tim mạch, ung thư vú; thậm chí còn trị rối loạn tâm thần sau sinh (?!). Rẻ hơn nữa thì có SP estrogen Non-GMO Soy Isoflavones 750mg, hộp 60 viên, giá 220.000đ. Tại đây còn có hàng loạt SP khác như Libido Boost giúp “thúc đẩy nhu cầu tình dục, duy trì sự dẻo dai, tăng chức năng sức khỏe sinh sản, tăng độ nhạy cảm vùng sinh dục”, cùng các nhãn hiệu khác như Pms & Menopause Relief Soya Isoflavones + calcium, Soy Lecithin 1.325mg… Các SP này ghi xuất xứ từ Úc, thông tin chỉ có tiếng Anh, không có thông tin công ty nhập khẩu và phân phối. "Đây là hàng xách tay" - ông H. nói.

Đang “làm mưa làm gió” trên thị trường hiện nay là các SP bổ sung estrogen từ tinh chất mầm đậu nành. Ghé một cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ (Q.10), khi nghe chúng tôi phàn nàn bị nổi nhiều mụn trứng cá, nhân viên tại đây giới thiệu một SP tinh chất mầm đậu nành N.T. “Bảo đảm 100% từ đậu nành, 18 tuổi là có thể sử dụng. Kiên trì sử dụng, thâm, nám nào cũng bay”.

Chị Nguyễn Thị Liên (đường Nguyễn Trãi, Q.1) cho biết: “Bước qua tuổi 45 tôi thấy mình “xuống dốc”: da nhăn, tóc khô, mập lên, không màng đến chuyện vợ chồng, nên mua SP có tinh chất mầm đậu nành về uống. Chỉ sau hai tháng, da căng, mắt sáng, tinh thần lạc quan, thoải mái vô cùng. Thấy hiệu quả, tôi tự ý nhân số lần uống thuốc lên với suy nghĩ uống càng nhiều thì càng trẻ đẹp. Tuy nhiên, sau đó tôi bị đau đầu, tim đập nhanh, sốt nhẹ, chán ăn. Đi khám thì bác sĩ cho biết tôi bị quá liều estrogen”.

Không chỉ bổ sung estrogen từ TPCN, nhiều người còn bổ sung bằng các thuốc uống, thuốc tiêm, miếng dán, gel hoặc dạng kem bôi qua da hoặc âm đạo. Các SP này được bán tại các nhà thuốc, rao bán tràn lan trên một số trang web…

Ảnh: Phùng Huy

Dùng phải có chỉ định

Estrogen là nội tiết tố được sản sinh chủ yếu từ buồng trứng của nữ giới, giúp cơ thể phát triển mềm mại, nở nang và đầy nữ tính; kích thích sự phát triển của nội mạc tử cung, tuyến vú, tăng cường sức khỏe hệ xương, tim mạch… Những phụ nữ bước vào tuổi mãn kinh (khoảng 45 - 55 tuổi), buồng trứng sẽ bị teo, không còn khả năng tiết ra estrogen. Cơ thể bị thiếu hụt estrogen sẽ làm người phụ nữ dễ nóng giận vô cớ (bốc hỏa) hoặc rơi vào trầm cảm; âm đạo, âm hộ bị khô, teo nhỏ; tóc khô, da khô, nhám; đi tiểu nhiều lần, tiểu gắt, tiểu khó; rối loạn giấc ngủ; đổ mồ hôi trộm; ngực nhỏ đi nhưng eo, mông, bụng sẽ mập ra… Bổ sung estrogen sẽ cải thiện được những triệu chứng trên.

Hiện trên thị trường có nhiều chế phẩm chứa estrogen ở dạng uống, dạng tiêm, miếng dán da, gel được quảng cáo tràn lan. Nếu cơ thể đã có sẵn các bệnh lý như bệnh gan, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tim mạch, dãn tĩnh mạch, nhức nửa đầu… thì việc tự ý bổ sung nội tiết tố sẽ làm bệnh càng chuyển biến nặng, khó kiểm soát. Người dùng chỉ được bổ sung khi có chỉ định của bác sĩ.

Phương pháp bổ sung estrogen hiện nay chị em thường lạm dụng là TPCN. Theo TS-BS Lê Thị Thu Hà, estrogen có nguồn gốc từ thực vật không thể thay thế estrogen do cơ thể sản sinh, khi đưa vào cơ thể một số người có thể sẽ biến đổi cấu trúc phân tử, bổ sung chỉ lãng phí nên không có chuyện chữa được vô sinh. Còn estrogen hóa dược, nếu lạm dụng thì khả năng bị mất cân bằng hoặc quá liều estrogen “ảo” rất cao, khi quá liều sẽ tác động lên trục hạ đồi - tuyến yên và buồng trứng khiến không sản sinh ra estrogen nữa, dẫn đến thiếu hụt estrogen nội sinh ngày càng trầm trọng hơn.

BS Ngô Anh Kiệt - Trưởng khoa Thẩm mỹ Bệnh viện Triều An cho biết, khi sử dụng các TPCN, nhiều người cảm thấy vòng ngực “căng đầy” hơn trước là do estrogen tác động lên tuyến vú làm nang tuyến sữa phát triển; còn da mặt đẹp, tóc, móng đẹp hơn là do estrogen giữ nước trong cơ thể, mỡ dưới da nên trông da dẻ mềm mại, hồng hào. Tuy nhiên đây chỉ là tác động nhất thời, nếu ngưng bổ sung estrogen, mọi thứ sẽ trở về như cũ.

Với các loại thuốc bổ sung estrogen dạng miếng dán, gel… PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức - ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, thuốc dạng uống có tác dụng nhanh hơn thuốc đặt, gel bôi hoặc miếng dán nhưng độc hơn vì có thể gây hại cho gan. "Tùy tiện bổ sung estrogen làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, huyết khối, ung thư vú và không ngừa được sự sút giảm trí nhớ, trái lại còn làm tăng nguy cơ mất trí nhớ ở phụ nữ trên 65 tuổi” - PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức cảnh báo.

 HOA LÀI

www.phunuonline.com.vn

estrogen, bổ sung nội tiết tố, thần dược hay độc dược


      © 2021 FAP
        2,327,395       11