Sức khỏe

Chuyện ghi ở phòng cấp cứu sản khoa

PN - 1. Chị Trần Thị H., 25 tuổi, sinh con so và có chỉ định sinh thường. Nhưng trong ca sinh, do nhau bám chặt và không bong, các bác sĩ (BS) buộc phải mổ bắt con.

2. Chị Nguyễn Thị T., 32 tuổi, đã trải qua hai lần phá thai và hai lần mổ bắt con. Vết mổ cũ khiến tử cung tổn thương nặng nề, dù đã được các BS khuyến cáo không nên mang thai, nhưng vì khao khát một đứa con trai, chị đã “cố” mang thai lần nữa. Khi đến bệnh viện khám, các BS khuyên chị nên bỏ thai bằng phương pháp phá thai nội khoa, nhưng chị vẫn không uống thuốc, cho đến khi thai được 19 tuần tuổi, chị T. phải nhập viện cấp cứu, do xuất huyết ồ ạt. Kết quả siêu âm Doppler màu cho thấy nhau cài răng lược sâu vào trong các vết mổ cũ, có nguy cơ đâm thủng qua tử cung. Vì tính mạng của chị, các BS buộc phải can thiệp ngoại khoa để bỏ thai. 

3. Một trường hợp khác là chị K., 36 tuổi, từng sinh một lần và bỏ thai hai lần. Chị K. nhập viện do xuất huyết âm đạo khi thai được 36 tuần tuổi. Theo chẩn đoán ban đầu của các BS, bệnh nhân bị nhau tiền đạo trung tâm. Siêu âm hai lần bằng Doppler màu ghi nhận hình ảnh cho thấy, nhau bám trung tâm, bánh nhau xuyên cơ tử cung, sát bàng quang. Làm thêm một vài xét nghiệm khác, các BS kết luận: nhau tiền đạo kèm nhau cài răng lược. Bệnh nhân được mổ lấy thai bằng phương pháp xẻ dọc tử cung và cắt tử cung toàn phần.

Theo thống kê của thế giới, những phụ nữ đã mổ lấy thai lần một, nguy cơ bị nhau cài răng lược ở lần mang thai tiếp theo tăng 4,5 lần so với người sinh thường; mổ lấy thai lần hai, nguy cơ bị nhau cài răng lược tăng gấp 11,3 lần. Nhau tiền đạo kèm theo nhau cài răng lược có thể làm hậu quả nặng thêm, góp phần làm tăng tai biến sản khoa.

Khảo sát của BV Từ Dũ và BV Hùng Vương cho thấy, những vấn đề liên quan đến nhau thai được phát hiện qua khám thai chiếm từ 1-3%, trong số đó, nhau tiền đạo chiếm đến 40%, và phần lớn đều liên quan đến tiền căn phá thai nhiều lần, hoặc thai kỳ có vết mổ cũ. Những hậu quả do nhau tiền đạo, nhau cài răng lược cũng như nguy cơ chảy máu, bị cắt tử cung hay vỡ tử cung… là vô cùng nghiêm trọng.

Nhằm tránh biến chứng nguy hiểm, thai phụ bắt buộc phải khám thai định kỳ, ít nhất là bốn lần trong một thai kỳ, nếu là con so. Còn với những thai kỳ nguy cơ cao như: huyết áp, có vết mổ cũ, có tiền căn nạo phá thai nhiều lần, nên đi khám thai từ 8-10 lần trong suốt thai kỳ, để được phát hiện sớm những bất thường, đặc biệt là về nhau thai.

 NGA THANH

www.phunuonline.com.vn

Thai phụ, bà bầu, chuyện ở phòng cấp cứu


      © 2021 FAP
        2,326,016       51