Sức khỏe

Khi nào nên thay khớp nhân tạo?

PN - Một số bệnh lý về khớp cần được phát hiện sớm và có chỉ định thay khớp kịp thời. Sau khi có khớp mới, bệnh nhân cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh làm hư hỏng phần khớp nhân tạo.

 

Thay khớp toàn phần hay bán phần?

Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM là một trong những BV lớn thực hiện được kỹ thuật thay khớp. Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Lê Văn Tuấn, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV Chợ Rẫy, mỗi năm khoa này phẫu thuật thay khớp háng cho khoảng 500 trường hợp. Trong số đó, 50% là người lớn tuổi.

Những bệnh lý có chỉ định thay khớp thường là gãy cổ xương đùi (hay gặp ở người cao tuổi do loãng xương), hoặc ở bệnh nhân (BN) trẻ tuổi bị chấn thương, hoại tử vô mạch chỏm xương đùi do thiếu máu nuôi... Các BN bị thoái hóa khớp gối có thể sẽ được chỉ định thay khớp gối... Tùy từng trường hợp cụ thể, BS sẽ đánh giá tổn thương để đưa ra kỹ thuật thay khớp phù hợp.

Chẳng hạn, với BN cao tuổi bị gãy cổ xương đùi, gãy liên mối chuyển xương đùi, khớp giả cổ xương đùi thì sẽ phù hợp với kỹ thuật thay khớp háng bán phần (khớp lưỡng cực). Khớp háng bán phần chia làm hai loại: không xi măng hoặc có xi măng. Chi phí một ca phẫu thuật thay khớp háng bán phần khoảng 30 triệu đồng (BN được BHYT chi trả), thời gian phẫu thuật từ 30 phút - 1 giờ. “Kỹ thuật này sở dĩ hay dùng cho người cao tuổi vì đủ giúp BN đi lại, hoạt động nhẹ nhàng, vừa phải.

Với người trẻ tuổi, hoạt động mạnh thì kỹ thuật thay khớp háng toàn phần phù hợp hơn”, BS Tuấn giải thích. Khớp háng toàn phần cũng chia làm hai loại: có xi măng và không xi măng. Nếu xương bị loãng, hư hao nhiều, phải dùng loại khớp háng có xi măng để cố định tốt hơn. Phẫu thuật khớp háng toàn phần mất từ 45 phút - 1 giờ. Sau phẫu thuật, BN phải mất hai ngày tập ngồi và ba ngày tập đi.

Cẩn trọng sau mổ

Tuổi thọ của khớp nhân tạo từ 15 - 20 năm, nhưng rất nhiều trường hợp không tuân thủ lời dặn của BS, đã hoạt động sai tư thế, khiến khớp bị trật, hư hỏng, phải nhập viện, sửa chữa rất phức tạp, tốn kém.

BS Tuấn kể: “Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận các trường hợp hư hại khớp nhân tạo do thiếu cẩn trọng, không tuân thủ chỉ dẫn. Mới đây, một nam BN phải vào thay lại khớp do nằm võng vắt chéo chân, hoặc có nam BN trật khớp háng do tư thế quan hệ vợ chồng.

Việc sửa chữa, thay lại khớp gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều bệnh nhân trước đây thay khớp ở nước ngoài, nay bị hư hỏng đến BV trong nước phẫu thuật sửa lại. Trong khi đó, mỗi lần thay phải có bộ dụng cụ hỗ trợ riêng phù hợp với xuất xứ của khớp. Chưa kể, lâu ngày xương mọc dính vào khớp, chỉ thay được một phần, nếu cố lấy ra hết thì sẽ làm vỡ phần xương còn lại.

Thay khớp là một kỹ thuật khó. BS Tuấn khuyên người dân khi thấy bất thường ở khớp, viêm khớp mà dấu hiệu là những cơn đau dai dẳng (âm ỉ khi nằm nghỉ và dữ dội khi vận động), cần đi khám chuyên khoa để được điều trị kịp thời. Nếu chủ quan, để lâu, bệnh sẽ tiến triển nặng, khiến mức độ hư khớp nhiều, tiến tới tổn thương luôn cả sụn xương, dây chằng, sẽ phải tái tạo toàn bộ khớp.

BS Tuấn cho biết từng tiếp nhận BN bị trật khớp háng từ nhỏ nhưng không điều trị ngay. Nhiều năm sau, BN tới BV, không những phải tái tạo khớp mà còn phải cân lại cơ. Thời gian tập vật lý trị liệu cũng lâu hơn, kéo dài từ một-hai tháng mới vận động trở lại được.

Đặc biệt, với các BN đã thay khớp nhân tạo, cần lưu ý tránh một số tư thế. Chẳng hạn, BN đã thay khớp háng không được ngồi xổm, tránh nằm võng vắt chéo chân, quan hệ vợ chồng tư thế phù hợp...

Những người đã thay khớp nhân tạo khi đi khám, thực hiện phẫu thuật phải báo cho BS biết để được dùng kháng sinh đề phòng nhiễm trùng.

Hiện tại, những kỹ thuật thay khớp được Khoa Chấn thương chỉnh hình của các BV thực hiện gồm: thay khớp háng, khớp gối, khớp vai. Sắp tới các BV sẽ thực hiện thêm kỹ thuật thay khớp bàn tay, bàn chân (nguyên nhân chủ yếu do tai nạn hoặc viêm khớp).

TRÂM ANH

www.phunuonline.com.vn

Thay khớp nhân tạo, xương khớp, thay khớp háng


      © 2021 FAP
        2,327,431       11