Giáo dục

Tự phát chuyển giao nghiên cứu khoa học

Hầu hết các trường đại học hiện nay đã có bộ phận chuyển giao nghiên cứu khoa học. Dù vậy, việc đưa các công trình ứng dụng vào thực tiễn nhiều nơi vẫn còn mang tính manh mún, tự phát.

 Phòng thí nghiệm hiện đại để nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - Ảnh: Như Lịch
Phòng thí nghiệm hiện đại để nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, thuộc Trường ĐH Khoa học
tự nhiên TP.HCM - Ảnh: Như Lịch

Chưa đáp ứng nhu cầu xã hội

Đến Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, chúng tôi không tin nổi vào mắt mình bởi sự cũ kỹ quá mức của nó. PGS-TS Dương Nguyên Khang, Giám đốc trung tâm, nhìn nhận: “Cơ sở vật chất ở đây có từ trước 1975, cho đến nay hầu như không thay đổi gì. Trong khi đó, trung tâm hoạt động theo cơ chế tự thu tự chi. Hằng năm, trung tâm còn phải đóng góp nghĩa vụ cho nhà trường khoảng 600 triệu đồng”.

 

Chính những giảng viên tự tìm đến các nhà đầu tư, tự mở doanh nghiệp chuyển giao ra bên ngoài

PGS-TS Dương Anh Đức
- Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM

Theo ông Khang, khó khăn cơ bản nhất của trung tâm chính là sự ràng buộc của cơ chế. Ông giải thích: “Mọi người trong trung tâm lâu nay phải sử dụng những trang thiết bị lạc hậu để nghiên cứu. Bây giờ chúng tôi muốn làm sao cho nó phù hợp với yêu cầu bên ngoài thì cần phải có nguồn tiền. Thế nhưng, nguồn tiền trợ giúp từ nhà nước rất hạn chế, còn quá trình đi xin dự án, đề xuất liên kết với các địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn”.

PGS-TS Dương Nguyên Khang cho rằng thế mạnh của trung tâm là sản xuất biogas và lĩnh vực con giống, môi trường… Dù vậy, ông tâm tư: “Nghiên cứu ở đây đi đúng hướng nhưng quy mô để chuyển giao lại chưa xứng tầm. Có những đợt người ta đặt hàng trung tâm cũng phải từ chối, do không có nhân lực để làm. Mặt khác, có những nghiên cứu đưa ra chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội”.

Dù đã ra đời khoảng 10 năm nay nhưng Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM hoạt động vẫn rất ì ạch, chưa thể hiện rõ vai trò của nó. Thạc sĩ Lê Tấn Cường, Phó giám đốc trung tâm, lý giải: “Lực lượng giảng viên tham gia ở đây còn manh mún, chưa chuyên sâu và nhà trường cũng chưa có cơ chế ràng buộc. Cho nên, trung tâm khó thực hiện những dự án lớn, tầm cỡ theo đơn đặt hàng”.

Trong khi đó, kinh phí nghiên cứu hiện nay trong các trường ĐH khá eo hẹp nên chủ yếu các giảng viên phải tự bỏ tiền túi hoặc cùng nhà trường vận động từ các nguồn lực khác. Đây cũng là một thử thách đáng kể trong việc duy trì niềm đam mê sáng tạo của các giảng viên.

Dựa vào mối quan hệ cá nhân

Tiến sĩ Lâm Quang Vinh, Trưởng phòng Khoa học công nghệ Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho hay: Những năm gần đây, trường này vẫn duy trì thế mạnh truyền thống là nghiên cứu cơ bản, nhưng đã có sự định hướng ứng dụng, nhất là trong những ngành mũi nhọn như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, vật liệu kỹ thuật cao… Theo ông Vinh, có những công trình của giảng viên đã được cấp bằng sáng chế. Tuy nhiên, ông trăn trở: “Một số thầy cô thấy nghiên cứu của mình khả thi, có lợi nhuận và những công ty ở ngoài cần thì thường tự họ kết nối, chuyển giao luôn. Bởi lẽ, họ lo ngại rằng khi gửi lên trường thì phải chờ đợi lâu cho quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ, nên có thể bị người khác copy công trình của họ. Chỉ có những sáng chế không thấy lợi trước mắt thì họ mới chuyển lên chúng tôi”.

Tương đồng với ý kiến trên, PGS-TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho rằng hiện có nhiều dạng chuyển giao nghiên cứu khoa học, trong đó tình trạng chuyển giao mang tính tự phát cá nhân của từng nhóm nghiên cứu vẫn là phổ biến nhất ở VN. Ông nói: “Thường các thầy cô bằng các mối quan hệ cá nhân, đã làm theo sự giới thiệu và đặt hàng riêng của nhà đầu tư. Hoặc chính những giảng viên tự tìm đến các nhà đầu tư, tự mở doanh nghiệp chuyển giao ra bên ngoài”.

Không chỉ nhìn nhận có tình trạng khá nhiều giảng viên tự nghiên cứu và chuyển giao đơn lẻ, thạc sĩ Lê Tấn Cường còn nêu một thực tế rất phổ biến khác, đó là: Nhiều nhóm nghiên cứu thiếu những người dẫn đầu, am hiểu trong lĩnh vực đó để định hướng. Cho nên, họ không có mục tiêu, không nắm bắt được nhu cầu xã hội trong tương lai, dẫn đến việc nhiều khi đã làm xong nghiên cứu nhưng doanh nghiệp không còn cần nữa, rất lãng phí.

Đứng ở góc độ là giảng viên - nhà nghiên cứu, tiến sĩ Cái Việt Anh Dũng, Phó bộ môn cơ điện tử Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng: “Xã hội hay đòi hỏi quá nhiều về việc nghiên cứu là phải chuyển giao. Điều này vô lý do thời gian nghiên cứu thường chỉ cho hai năm, rất áp lực, nên khó đào sâu về nguyên lý mà phải chạy theo yêu cầu sản phẩm”.

Như Lịch

ThanhNien

nghiên cứu khoa học, chuyển giao, tự phát, sinh viên, nghiên cứu, Như Lịch


      © 2021 FAP
        2,327,436       18