Gia đình

Người phụ nữ Việt ở ngôi làng của các 'đám cưới chạy trốn'

Chị Kim Anh cho hay mỗi ngày trung bình ở làng Gretna Green (Scotland), chị chứng kiến 3-5 đám cưới, nhiều đôi mới chỉ 16 tuổi.

Chị Kim Anh, 48 tuổi, kết hôn với anh Iain, 63 tuổi, năm 2014 tại Scotland. Hiện chị làm việc ở ngôi làng Gretna Green, nằm giáp biên giới, cửa ngõ đón khách từ Anh sang Scotland, một điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới. Dưới đây là chia sẻ của chị về công việc và nơi đặc biệt này:

Cách đây 18 tháng, tôi xin vào làm tại công ty Famous Blacksmiths Shop, chủ sở hữu ngôi làng Gretna Green, cách nơi tôi ở gần 30 km. Gọi là làng nhưng từ lâu ở đây không có người dân nào sinh sống, mà là tổ hợp cửa hàng, nhà hàng, bảo tàng và khách sạn của công ty tôi. Từ thế kỷ thứ 19, gia đình ngài Hugh Mackie đã mua lại toàn bộ ngôi làng này để kinh doanh, lưu truyền và giữ lại toàn bộ truyền thống văn hóa đặc biệt nơi đây.

Lúc mới đầu tôi cũng mới chỉ biết đây là ngôi làng chuyên tổ chức đám cưới, nhưng càng tìm hiểu tôi càng bị cuốn hút với lịch sử lâu đời của Gretna Green. Từ năm 1754, theo luật của nước Anh, các đôi phải đủ 21 tuổi mới được tổ chức cưới, và phải có sự đồng ý của cha mẹ hai bên. Thế nhưng tại Scotland, các đôi chỉ cần đủ 16 tuổi, không cần sự chấp thuận hoặc có mặt của hai gia đình, có thể được tổ chức hôn lễ nhanh và đơn giản với sự có mặt của hai người làm chứng.

Gretna Green được mệnh danh là ngôi làng tình yêu - nơi tổ chức đám cưới nổi tiếng ở Scotland.

Gretna Green được mệnh danh là ngôi làng tình yêu - nơi tổ chức đám cưới nổi tiếng ở Scotland. Ảnh: weddingsatgretna.

Ngày xưa, các đôi trẻ chạy trốn bố mẹ có rất ít thời gian để làm lễ cưới trọn vẹn trước khi bị gia đình tóm được. Chính vì thế, làng Gretna Green, nằm ngay trên con đường quốc lộ chính chạy từ London sang Scotland, là nơi gần nhất để các đôi ở các vùng khác thuộc Liên hiệp Anh như Bắc Ireland, Wales, tới đây làm lễ cưới hợp pháp dễ dàng, nhanh gọn nhất. Nơi ấy có bếp lò của bác thợ rèn, ngày cũng như đêm, sẵn sàng mở cửa đón khách vào nhà.

Và chỉ cần hai người đặt tay lên bễ rèn, thề rằng họ còn độc thân, đồng ý chung sống với nhau trọn đời, người chủ hôn lễ sẽ giáng một nhát búa xuống bễ rèn, chính thức công nhận họ thành vợ chồng. Ngày nay, không chỉ đáp ứng nhu cầu của các đôi 16 tuổi, Gretna Green còn cung cấp một phong cách cưới độc đáo dựa trên truyền thống và vẻ đẹp văn hóa Scotland.

Tôi đến đây không phải chạy trốn kết hôn như nhiều đôi khác, mà để làm việc. Tôi vẫn còn nhớ ngày tôi đến nộp đơn, chị cửa hàng trưởng mừng rỡ chạy đi gọi giám đốc và hẹn gặp.

Chị Kim Anh là người châu Á đầu tiên làm tại tổ hợp nhà hàng nổi tiếng này.

Chị Kim Anh là người châu Á đầu tiên làm tại tổ hợp nhà hàng nổi tiếng này.

Sau này, chị cửa hàng trưởng mới nói là do tôi nhanh nhẹn, tự tin, lại biết tiếng Việt, tiếng Trung nên rất lợi thế khi nơi đây đón ngày càng nhiều khách du lịch châu Á. Giám đốc cũng nói tôi là người châu Á đầu tiên làm việc ở đây từ năm 1754. Tôi lấy tên là Lily vì mọi người khó khăn để gọi cái tên Kim Anh.

Ngày đầu tiên, 4 người gồm cả giám đốc cứ đứng quan sát cách làm việc của tôi và tỏ ra hài lòng. Cách bán hàng, tư vấn của tôi là luôn niềm nở, mỉm cười, thấy khách ở đâu là tới giới thiệu sản phẩm, chứ không giống các nhân viên khác là chỉ khi khách hỏi mới trả lời. Chính vì vậy, tôi bán được nhiều sản phẩm, doanh số tăng nên sếp rất hài lòng. Trước tôi làm ở nơi bán các đồ lưu niệm, giờ chuyển sang cửa hàng bán rượu Whisky, liền kề với khu bảo tàng, chuyên tổ chức đám cưới cho các đôi. Chính vì thế, tôi cũng nhiều lần làm người chứng kiến hôn lễ.

Ở đây, thỉnh thoảng có những đôi đến làm lễ cưới chỉ có hai người, không có bạn bè hay họ hàng. Tôi từng làm chứng cho hai vợ chồng và một cô con gái khoảng 12 tuổi. Một người của chính quyền sẽ đến làm giấy và cấp giấy đăng ký kết hôn cho họ. Tôi cũng ký vào giấy đó, ghi rõ họ tên, địa chỉ nhà ở vào giấy kết hôn của họ, xong đứng cạnh bắt tay chúc phúc và chụp ảnh cùng họ. Cảm giác được là một phần trong hôn lễ mọi người khiến tôi hạnh phúc vô cùng.

Một đám cưới kéo dài trong bảo tàng cưới khoảng 30 phút, chi phí tùy theo các dịch vụ họ chọn. Nếu đầy đủ gồm cả thuê quần áo, xe ngựa, và đặt ăn vào khoảng 7.000 - 8.000 bảng. Chi phí rẻ hơn một đám cưới tổ chức bình thường bên ngoài, trung bình khoảng 12.000 - 15.000 bảng.

Theo quan niệm các đôi vợ chồng đặt tay vào cái đe Anvil (cái đe của thợ rèn) sẽ được mang lại sư may mắn hạnh phúc, nên ngày càng đông các các đôi tới đây kỷ niệm ngày cưới. Lễ làm trong khoảng 20 phút với chi phí chỉ 40 bảng.

Căn phòng nơi tổ chức đám cưới cho các đôi, lưu giữ từ xưa tới nay.

Căn phòng nơi tổ chức đám cưới cho các đôi, lưu giữ từ xưa tới nay.

Một ngày bận rộn đỉnh điểm, bảo tàng đón tới 18 đôi tới tổ chức đám cưới. Họ đến từ khắp các nước và trong vương quốc Anh. Tôi và mọi người phải làm việc cật lực từ 9 giờ sáng tới gần 7 giờ tối. Vừa làm ở shop rượu whisky, tôi vừa sang bên nhà bảo tàng ở quầy lễ tân đón tiếp khách, bán vé, nghe điện thoại... khi cần làm chứng cho các đôi. Công việc bận rộn nhưng nhìn cô dâu chú rể xinh đẹp, hạnh phúc khiến tôi thấy phấn chấn.

Mỗi khi gặp người Việt tới đây tham quan, tôi vui cả ngày. Cảm giác được gặp lại đồng hương, được nói thứ tiếng mẹ đẻ giữa đất khách quê người khiến tôi mừng rớt nước mắt. 

Mộc Miên ghi

VNExpress

Famous Blacksmiths Shop, Gretna Green


      © 2021 FAP
        1,182,039       48