Mẹ & bé

Đừng mong con ngoan, đừng mong con dễ dạy, các mẹ ạ!

Con ngoan, sẽ có khi quên cả hạnh phúc. Con dễ dạy, chỉ biết nghe lời hoặc nín nhịn khuất phục. Có thể, ra đời rời vòng tay bố mẹ, con vô thức tìm một quyền lực khác để sống tiếp đời nô lệ.

Tiếp tục với những quan điểm nuôi dạy con "đi ngược" lại quan niệm truyền thống, mới đây, chị Thu Hà - một nhà báo hiện đang sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh - người đã truyền cảm hứng nuôi dạy con tới rất nhiều bậc cha mẹ qua những bài viết thấm thía tiếp tục đưa ra một bài viết mới "Đừng muốn con ngoan!". Bài viết đã nhanh chóng được lan tỏa trên cộng đồng mạng vì một phần, nó đã "đụng trúng nỗi khổ tâm" của không ít bà mẹ, phần khác nó đã nói lên nỗi lòng của nhiều người con "làm gì cũng sợ mẹ không thích, không muốn". 
Theo chị Thu Hà, việc bố mẹ mong mỏi con luôn ngoan ngoãn, nghe lời là đang tước đi nhiều cơ hội ma sát, điều chỉnh bản thân và tìm được hạnh phúc cho chính con. Về lâu dài, những đứa trẻ quá ngoan, không dám cãi lời bố mẹ lớn lên sẽ khó mà trở thành người tự chủ, độc lập, có chính kiến. 
Và dưới đây là những lý do chị Thu Hà cho rằng các bậc phụ huynh không nên mong con ngoan, dễ dạy:
Tôi ngày xưa thường được khen là ngoan, và bố tôi thường được công nhận là dạy con ngoan.
Tôi đã từng nghĩ ngoan là món quà lớn nhất để đền đáp công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của bố mẹ. Nhưng giờ ngồi nghĩ lại, tôi tiếc tôi không sớm cãi bố!

Con ngoan
Tôi đã từng nghĩ ngoan là món quà lớn nhất để đền đáp công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của bố mẹ. Nhưng giờ ngồi nghĩ lại, tôi tiếc tôi không sớm cãi bố! (Ảnh minh họa).

Bố tôi yêu tôi nhất trên đời! Hồi nhỏ tôi như một cái đuôi của bố. 3, 4 tuổi, khi đi công tác cùng bố, tôi nhớ bố luôn nấu riêng 2 nồi cơm, 1 nồi bé tí tẹo như cái nắm tay dành cho tôi, nồi kia dành cho bố. Nồi của tôi là cơm, nồi của bố toàn mỳ và bo bo.
Nếu tôi cần ghép thận, chắc chắn bố tôi sẽ là người cho tôi thận. Nếu tôi cần ghép gan, tôi biết bố chả bao giờ tiếc cắt gan cho tôi. Nhưng nếu tôi cãi, thì không được! 
Bất cứ một lỗi sai nào, từ để đôi dép lệch khỏi vị trí, phơi chiếc khăn mà 4 góc không trùng nhau, hay làm sai 1 bài tập nhỏ, bố sẽ hoặc mắng tới 2h đồng hồ, hoặc là “no đòn”. Tôi sợ chết khiếp tiếng “e hèm” cân não đó. Đến tận bây giờ, khi tôi 40 tuổi và bố 80, mỗi khi về quê nghe bố “e hèm” tôi vẫn giật thót. 
Tôi yêu bố nhất trên đời. Nhưng cũng sợ bố nhất trên đời. 18 tuổi đi học đại học, khi cả phòng tụi nó khóc lóc như mưa vì nhớ nhà, thì tôi như con chim được tung cánh. Tốt nghiệp ĐH, tôi đi tuốt 1 mạch, không về quê làm việc.
Rồi khi yêu cũng thế, tôi chọn ngay 1 người gần như ngược lại với bố. Bố tôi nghiêm khắc, nhiều luật lệ, luôn hi sinh, tôi toàn bị hút bởi những người tự do, không kỷ luật và ích kỷ. Bố tôi càng cấm, tôi càng lao vào.
Giá mà tôi biết cãi bố sớm hơn, để tôi được nói tiếng nói của mình, chọn thực đơn cho mình, được là chính mình, để tôi biết cân bằng!
Giờ tôi mới biết, khi không cãi bố câu nào, cũng có nghĩa là tôi đã tước đi của bố nhiều cơ hội. Cơ hội điều chỉnh mình, cơ hội làm cho con gái món nó thực sự thích, cơ hội ma sát, vận động, để tìm ra cách tốt hơn. Tôi mà cãi, bố sẽ có 1 cái phanh xe (thắng xe), để bố vừa chạy vừa cảm nhận và điều chỉnh. Đẻ 1 đứa con 40 năm không cãi, như chạy 1 cái xe 40 năm không có phanh, không có thắng, nguy hiểm lắm.
Rồi nữa, hình như sau khi rèn tôi thành công bằng sự nghiêm khắc khủng khiếp, bố đem áp dụng cái rẹt với thằng em trai kém tôi 3 tuổi. Và nó cầm tinh con ngựa, phản kháng tung hê hết, nó bùng nổ và công phá dữ dội.
Giá mà tôi biết cãi ngay từ ngày nhỏ, có lẽ em tôi không bị áp đặt như thế, và bố tôi không đau đớn như thế... Ngày xưa, tôi đã từng nghĩ tới chuyện tự tử. Tôi đã từng chuẩn bị tươm tất, khi thì dây thừng khi thì dầu hỏa, nhưng rồi số trời cho tôi sống, lần nào cũng có bạn tới đúng lúc để rủ đi học hoặc đi làm gì đó. Nghĩ lại, chỉ cần chậm 1 chút thôi, chệch 1 lát thôi.
Nhớ hồi Xu mới biết đọc, nàng đọc trộm sách Nuôi dạy con kiểu Nhật, rồi hồn nhiên bô bô: “Con muốn mẹ dạy con như trong sách này. Đây này, cái chỗ con cái cần cha mẹ lắng nghe này. Rồi con cái cần được mẹ khen là con đã rất cố gắng này". Nàng giở từng trang: "Cái việc mẹ an ủi, cưng chiều ôm con vào lòng này là mẹ làm tốt rồi nè. Còn cái này, khi hai chị em cãi nhau mẹ nên bình tĩnh lắng nghe con, thì mẹ chưa làm được. Con muốn mẹ làm đúng như trong sách thế này nè...".
Con ngoan
Giờ tôi mới biết, khi không cãi bố câu nào, cũng có nghĩa là tôi đã tước đi của bố nhiều cơ hội.
Tôi trố mắt nhìn Xu, bỗng nhận ra Xu sướng hơn mình ngày xưa và tôi thì sướng hơn bố! Nó dám đặt hàng mẹ kiểu đối xử mà nó thích. Tôi cũng bớt đau đầu suy tính và mò mẫm chọn lựa.
Đừng nói "Cá không ăn muối cá ươn, con không nghe ba mẹ trăm đường con hư!". Đừng mong con ngoan, đừng mong con dễ dạy, các mẹ ạ! 
Con ngoan, sẽ có khi quên cả hạnh phúc. Ví như hôm rồi có 1 người bạn hỏi tôi thích ăn gì. Tôi ngồi ngẩn ra 1 lúc, không biết. Tôi là người đi chợ và nấu ăn mỗi ngày, nhưng ngày nhỏ tôi ăn theo khẩu vị của bố, lớn lên ăn theo khẩu vị của chồng, và có con ăn theo khẩu vị của con.
Con dễ dạy, chỉ biết nghe lời hoặc nín nhịn khuất phục. Có thể, ra đời rời vòng tay bố mẹ, con vô thức tìm một quyền lực khác để sống tiếp đời nô lệ.
Hôm nói chuyện về so sánh phụ huynh Việt và Pháp với TS Nguyễn Khánh Trung, thấy rõ rằng khi phần lớn phụ huynh Việt mong muốn con ngoan, biết nghe lời, kính trên nhường dưới, thì phụ huynh Pháp mong muốn con tự lập, tự chủ và biết tôn trọng người khác. 
Vì mong muốn khác nhau, nên là cách giáo dục cũng khác nhau, và rồi kết quả khác nhau là tất lẽ dĩ ngẫu.
Nhưng mà kỳ cục, khi con lớn, ba mẹ Việt lại than tại sao con không tự lập, không mạnh mẽ và có chính kiến như thanh niên phương Tây! 

Chị Thu Hà là một nhà báo hiện đang sống và làm việc ở TP HCM. Chị là mẹ của hai cô con gái vô cùng đáng yêu, cá tính là Xu và Sim. Tự nhận mình là một người mẹ không hoàn hảo và mắc nhiều sai lầm khi nuôi dạy con, nhưng chị coi đó là những bài học lớn của mình để thay đổi và trở thành một người bạn đồng hành thực sự cùng con lớn lên.

aFamily

nuôi dạy con, làm cha mẹ, bí quyết dạy con ngoan


      © 2021 FAP
        1,182,229       31