Thời cuộc

Làng góa phụ vác đá lạnh mưu sinh

Những phụ nữ không chồng xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, chẳng mong Tết về, bởi với họ, Tết là chẳng có việc làm, là lo ngày ba bữa cho mẹ già, con thơ.

Vác đá lạnh trở thành nghề chính nuôi sống những người phụ nữ xã Ngữ Lộc. Ảnh: Nguyễn Ngoan

Vác đá lạnh hiện là nghề chính nuôi sống những người phụ nữ xã Ngữ Lộc. Ảnh: Nguyễn Ngoan.

Cong mình vác những cây đá lạnh nặng 30-45 kg trong thời tiết giá lạnh, bà Nguyễn Thị Bắc (57 tuổi, ở xã Ngư Lộc) run lên từng cơn. Bà Bắc một tay đỡ cây đá trên vai, tay còn lại men theo dây thừng dẫn ra tới thuyền. Xong một lượt, bà lên bờ, cho đá vào bì rồi lại vác ra thuyền. Bà Bắc gắn bó với nghề bốc vác đã gần chục năm, khi tàu về thì khiêng cá vào kho đông lạnh, tàu đi lại vác thực phẩm, đồ dùng, đá xuống tàu. 

25 năm trước, cơn áp thấp nhiệt đới gần bờ đã cướp đi gần 200 người đàn ông trong làng chài của bà Bắc khi họ đang lênh đênh trên những con tàu, con mảng. Từ đó, năm nhiều, năm ít, những người đàn ông ra khơi chẳng bao giờ trở lại với đất liền, để lại cuộc sống cô quạnh, nhọc nhằn cho bao phụ nữ nơi này. Những người vợ trở thành góa phụ, trụ cột chính trong gia đình với mẹ già và con nhỏ.

Xã Ngư Lộc có đến cả trăm phụ nữ hàng ngày xuống biển bốc vác thuê mưu sinh mà chẳng thấy mấy đàn ông.

"Xã này người ta gọi là xứ không chồng, làng góa phụ", bà Bắc buồn rầu nói.

Nghề vác đá lạnh vốn đòi hỏi sức khỏe, nhưng phần lớn những người làm nghề này đã ngoại tứ tuần. Con nhỏ, mẹ già, không thể bỏ quê đi xứ làm việc, ruộng đồng không có, vác đá lạnh, cào ngao, nhặt tôm... là công việc mang lại thu nhập chính nuôi sống họ.

Cùng vác đá với bà Bắc, chị Hoàng Thị Xuân, 42 tuổi, xã Hải Lộc, cho hay cứ 7-8h hàng ngày, khi thuyền cập bến, mọi người lại cùng nhau ra vác đá kiếm tiền. Để tránh trơn trượt, những người làm nghề đều phải đi giầy hoặc dép nhựa. Suốt ngày ngâm nước biển mặn khiến bàn chân nhiều người bị bọng nước, lở loét.

Bà Bắc, chị Xuân cùng các đồng nghiệp phải chuẩn bị áo mưa để nước lạnh không thấm vào người, một số người khoét bao tải rồi luồn qua đầu, hay may túi nylon thành áo mưa để tiết kiệm. Mùa hè nắng gắt cộng thêm đá lạnh làm nhiều người phát sốt, còn những ngày đông, gió biển cùng trời giá khiến chân tay họ đỏ rát.

"Đôi vai lạnh buốt nhưng vì đồng tiền nuôi sống cả nhà, chúng tôi vẫn phải làm", chị Xuân tâm sự.

Theo chị Xuân, các tàu cá ra khơi không theo giờ nhất định, phụ thuộc vào thời tiết, con nước lên xuống. Bất kể khi nào tàu đến, tàu đi, họ đều phải ra biển.

Thông thường vào mùa này, mỗi tàu cần 1-1,5 tấn đá để ướp hải sản cho chuyến đánh bắt kéo dài cả tuần. Mỗi cây đá vận chuyển từ đê xuống thuyền được trả 5.000 đồng. Ngày nào thuyền đi đông, cần nhiều đá, thu nhập của mỗi người khoảng 200.000-300.000 đồng. Một ngày, những lao động như chị Xuân phải vác trên vai 40-60 cây đá.

Mỗi khi trái gió trở trời, xương khớp nhức mỏi, đầu đau nhưng không ai không dám nghỉ. Họ bị thương mãi rồi cũng quen, rách thịt xong lại lành; mệt thì nghỉ một buổi, vì nghỉ dài không có tiền sinh hoạt.

"Nghề vác đá cực nhọc lương thấp nhưng không phải lúc nào cũng có việc để làm. Nhiều hôm tàu vào làm không hết việc nhưng cũng có ngày ngậm ngùi về tay không. Khi trời trở mùa, mưa bão triền miên ở nhà cả tháng là chuyện bình thường", bà Vương Thị Tuyết, 50 tuổi, xã Hải Lộc, tâm sự sau khi giúp đồng nghiệp đưa cây đá lên vai.

5 năm vác đá là từng ấy năm bà Tuyết không còn được nhìn mặt chồng.

"Từ khi chồng tôi mất, tôi làm đủ nghề để nuôi ba con ăn học, nhưng vác đá lạnh là chính", bà Tuyết nói.

Những người phụ nữ mất chồng trong những chuyến ra khơi, họ làm đủ công việc để nuôi gia đình. Ảnh: Nguyễn Ngoan

Những người phụ nữ mất chồng trong các chuyến ra khơi làm đủ công việc để nuôi gia đình. Ảnh: Nguyễn Ngoan.

Những ngày giáp Tết, việc kiếm tiền của bà Tuyết, chị Xuân hay bà Bắc trở nên hạn hẹp. Ngư dân sẽ nghỉ Tết sớm, có thuyền 23 tháng Chạp đã nghỉ. Gần Tết các phu vác đá hầu như không có việc làm, ngoài mùng 10 mới có lác đác thuyền ra khơi.

Với người dân làng góa phụ, Tết biển thì cạn luồng, tàu bè ít vươn khơi, những người làm nghề "đói" việc làm. Nhà nào còn chồng thì còn người phụ giúp, những nhà không chồng chỉ mong ngày ba bữa cho con, chẳng dám mơ Tết to.

"Nghĩ đến Tết làm gì cho mệt, được ngày nào hay ngày ấy", một phu vác đá cười buồn.

Nguyễn Ngoan

NgoiSao.net

góa phụ, tết, vác đá lạnh, góa phụ ở Ngư Lộc, làng góa phụ Thanh Hóa - Làng góa phụ vác đá lạnh mưu sinh


      © 2021 FAP
        2,830,171       31