Xã hội

Để dân "vùng sỏi đá" thoát nghèo

Với những đồng vốn được vay ban đầu, kèm mô hình làm kinh tế hiệu quả, nhiều hộ nghèo vùng đất sỏi đá huyện Xuân Lộc thoát nghèo bền vững. Mô hình này đang tiếp tục được nhân rộng và phát huy hiệu quả.

Mô hình nuôi bò và dê sinh sản giúp gia đình bà Võ Thị Ngọc Mai ổn định cuộc sống. Ảnh: T.MỘC
Mô hình nuôi bò và dê sinh sản giúp gia đình bà Võ Thị Ngọc Mai ổn định cuộc sống. Ảnh: T.MỘC

TIN LIÊN QUAN
Tiếp tục phát huy thành quả đã đạt, huyện Xuân Lộc đang tập trung mọi giải pháp giảm nghèo cho giai đoạn tiếp theo (2019-2020) với nhiều tiêu chí nâng cao hơn.

* “Cứu cánh” cho người nghèo

Năm 2015, huyện Xuân Lộc có 1.952 hộ nghèo, chiếm 3,86% (trong đó hộ nghèo A chiếm 2,81%, hộ nghèo B chiếm 1,05%) và 1.183 hộ cận nghèo, chiếm 2,34%. Xuân Lộc đạt mục tiêu đến cuối năm 2017 không còn hộ nghèo A và hộ cận nghèo.

Để thực hiện mục tiêu này, Xuân Lộc đã hướng dẫn bà con nhiều mô hình giảm nghèo thiết thực như: nuôi gà, dê, thỏ, bò, trồng rau… Sau quá trình theo dõi hoạt động hiệu quả của các mô hình, nhiều người đã chọn nuôi bò sinh sản để thực hiện giảm nghèo. Đến nay, mô hình này vẫn đang được nhân rộng và đã giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo bền vững.

Để công tác giảm nghèo có hiệu quả và đạt được kế hoạch đề ra, huyện Xuân Lộc thực hiện phân bổ chỉ tiêu về cho từng xã, thị trấn. Theo đó, mỗi xã, thị trấn phải tự theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ người dân trong quá trình sử dụng nguồn vốn ưu đãi hiệu quả. Một số xã như: Xuân Phú, Xuân Thành, Xuân Trường… đã làm tốt công tác giảm nghèo.

Mô hình nuôi bò và dê sinh sản giúp gia đình bà Võ Thị Ngọc Mai ổn định cuộc sống. Ảnh: T.MỘC
Mô hình nuôi bò và dê sinh sản giúp gia đình bà Võ Thị Ngọc Mai ổn định cuộc sống. Ảnh: T.MỘC

Là một trong những nông dân nổi tiếng với mô hình nuôi bò sinh sản thoát nghèo vươn lên có đời sống kinh tế khá giả, ông Phạm Trung Kiệt (xã Xuân Thành) không chỉ đưa gia đình mình thoát nghèo mà còn tiếp sức cho nhiều hộ dân khác cùng vươn lên từ mô hình nuôi bò sinh sản. Trước đây, ông Kiệt là hộ nghèo của xã, từ khi được nhận 1 con bò mẹ thì cứ mỗi lứa bò sinh sản, ông Kiệt thường để lại những con cái để tiếp tục nhân rộng đàn.

Chỉ sau vài năm, ông Kiệt đã gầy dựng lên đàn bò 30 con vừa sinh sản vừa bán cho thu nhập. Mỗi năm, ngoài tăng số bò giống, ông Kiệt để dư được từ 30-50 triệu đồng. Cuộc sống gia đình nâng lên, mỗi năm, gia đình ông đón nhiều nông dân tới để chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn cho bà con nghèo chăn nuôi và thoát nghèo bền vững.

Còn chị Võ Thị Ngọc Mai (xã Xuân Trường) chia sẻ, chị được hỗ trợ 1 con bò sinh sản của huyện và cặp bò từ chương trình Lục lạc vàng của Đài Truyền hình Việt Nam. Với 3 con bò sinh sản ban đầu, sau 2 năm thu nhập ổn định từ số bò sinh sản này đã giúp gia đình chị ổn định hơn trong cuộc sống. Từ tiền bán bò con, chị Mai đầu tư chuồng nuôi dê với hơn 20 con và 3 con bò hiện tại đang mang bầu. “Nhờ có sự quan tâm của Nhà nước nên gia đình tôi mới có cơ hội thoát nghèo. Tôi đang cố gắng tăng cường chăn nuôi để có tiền sửa chữa nhà cửa. Trước đây khi không có việc làm, mỗi khi con bệnh không biết lấy tiền đâu điều trị nhưng nay nhờ vào nguồn thu này, tôi có thể chủ động về tiền bạc, trường hợp thiếu tiền có thể mạnh dạn vay mượn vì mình đã có cơ sở để trả nợ” - chị Mai nói.

* Nâng cao chất lượng cuộc sống

Với sự nỗ lực giảm nghèo trong nhân dân, cuối năm 2017, huyện Xuân Lộc đã hoàn thành mục tiêu đề ra là hết hộ nghèo A và cận nghèo. Tuy nhiên, từ thời điểm này, HĐND tỉnh lại nâng chuẩn nghèo mới trong giai đoạn 2019-2020, theo tiêu chí mới, một số hộ nghèo vừa thoát lại “tái nghèo”. Tuy nhiên, sự tái nghèo này của các hộ dân không phải từ nguyên nhân chủ quan mà là khách quan nâng chuẩn của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Xuân Lộc cho biết, sau khi tỉnh nâng chuẩn hộ nghèo, huyện đã rà soát lại tổng thể hộ nghèo trên địa bàn huyện, có 236 hộ đã thoát nghèo năm 2017-2018 tiếp tục thực hiện chính sách thoát nghèo năm 2019.  Ngoài ra, những hộ đưa vào diện hộ nghèo bao gồm nhiều yếu tố như: hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, hộ dân tộc thiểu số, hộ có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội… đều được xét hộ nghèo năm 2019 với tổng số 1.090 hộ nghèo và 1.518 hộ cận nghèo.

Theo ông Mẫn, hộ nghèo được nhận diện theo nhiều tiêu chí sẽ giúp cán bộ chuyên môn xác định rõ những đối tượng có khả năng thoát nghèo và nghèo bền vững để có hướng đầu tư, hỗ trợ chính xác, hiệu quả nhất. Ví dụ như những trường hợp “tái nghèo” sau khi đã thoát nghèo sẽ được hỗ trợ để bà con nâng chất cuộc sống cao hơn. Thời gian qua, huyện đã chủ động bổ sung 6,5 tỷ đồng cho hộ nghèo vay từ ngân sách huyện.

Đối với những hộ mới thoát nghèo trong vòng 2 năm đầu cũng được các ưu đãi miễn phí 100% chi phí bảo hiểm y tế và miễn giảm học phí cho con em các gia đình trên. “Với những nỗ lực trên, tôi tin rằng huyện Xuân Lộc sẽ nhanh chóng cán đích giảm nghèo đã đề ra trong năm 2019 và năm tiếp theo, đồng thời duy trì những mô hình làm ăn hiệu quả như chăn nuôi bò sinh sản trong nhân dân” - ông Mẫn cho biết thêm.

Giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo

Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo đang được huyện quan tâm, tập trung thực hiện, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch sinh hoạt…

Để làm được điều này, huyện sẽ tăng cường phân cấp, trao quyền cho các xã, thị trấn chủ động thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay cũng như các dịch vụ xã hội. “Với bản tính cần cù, biết vươn lên thoát nghèo cũng như với thành công từ giai đoạn đầu, tôi hy vọng bà con tận dụng tốt sự hỗ trợ từ Nhà nước để vươn lên thoát nghèo, đưa Xuân Lộc trở thành huyện nông thôn mới có nguồn lực kinh tế mạnh, bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội” - bà Cát Tiên nói.

Thủy Mộc

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,831,212       8