Bạn đọc

Không cứu người bị nạn, gây tai nạn rồi bỏ trốn bị xử lý ra sao?

Gây tai nạn rồi bỏ trốn hoặc khi thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng mà làm ngơ không cứu giúp đó không chỉ là sự vô cảm, thiếu tình người mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra lúc 15 giờ 30 ngày 26-6 tại khu vực cầu Suối Linh, TP.Biên Hòa. Ảnh: Thanh Hải
Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra lúc 15 giờ 30 ngày 26-6 tại khu vực cầu Suối Linh, TP.Biên Hòa. Ảnh: Thanh Hải

Vụ việc những người đi đường dửng dưng không giúp đỡ đôi nam nữ bị tai nạn giao thông nằm bất động trên vỉa hè sau vụ va chạm giữa xe máy và xe taxi tại quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh sáng 25-6 gây bức xúc dư luận xã hội. Ở Đồng Nai, từ đầu năm 2019 đến nay, tuy chưa xảy ra vụ việc tương tự nhưng trường hợp bỏ trốn sau va chạm giao thông, bỏ mặc người bị nạn đã từng xảy ra.

* Bỏ trốn sau va chạm giao thông…

Nhiều người dân ở ấp Việt Kiều, xã Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc) còn nhớ vụ tai nạn dẫn đến cái chết của ông Q., ngụ ấp Việt Kiều khi ông đang đi bộ sang đường trên quốc lộ 1 vào lúc 1 giờ 56 ngày 31-3-2019. Khi ông Q. đã qua đến làn đường dành cho xe thô sơ và người đi bộ thì xảy ra va chạm với xe mô tô do một nam thanh niên điều khiển, lưu thông theo hướng từ TP.Hồ Chí Minh đi Bình Thuận.

Cứu người gặp nạn như thế nào để không gặp phiền phức?

Theo luật sư Ngô Văn Định, khi gặp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, việc đầu tiên nên làm là gọi cấp cứu 115 và gọi cho Cảnh sát 113 hoặc công an địa phương để báo về sự việc. Sau đó là kêu gọi sự giúp đỡ của những người xung quanh, tìm cách báo tin cho người thân của nạn nhân, quay phim lại hiện trường và toàn bộ quá trình cứu giúp nạn nhân và giao lại cho cơ quan công an. Việc này giúp hỗ trợ quá trình điều tra và tránh bị người thân của người bị nạn hiểu lầm.

Cú va chạm đã làm ông Q. và nam thanh niên này té ngã. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, nam thanh niên đã rời khỏi hiện trường, điều khiển xe mô tô tiếp tục chạy ra hướng Bình Thuận bỏ mặt ông Q. đang trong tình trạng bị thương. Lúc đó ông được người dân trong khu vực này phát hiện, đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng đến 11 giờ cùng ngày thì tử vong.

Ngay khi vụ việc xảy ra, Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Xuân Lộc trích xuất camera, bước đầu xác định nam thanh niên gây tai nạn giao thông là Nguyễn Văn Phú (22 tuổi, ngụ ấp Ruộng Tre, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh). Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành thu thập thêm chứng cứ, củng cố hồ sơ để điều tra, xử lý theo pháp luật.

Mới đây nhất là vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 15 giờ 30 ngày 26-6 trên quốc lộ 1, đoạn qua khu vực cầu Suối Linh (TP.Biên Hòa). Khi đó anh Nguyễn Anh Tuấn (30 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) điều khiển xe máy biển số 37E1-227.50 lưu thông trên quốc lộ 1 theo hướng ngã tư Amata đi vòng xoay Tam Hiệp. Khi xe máy vừa qua khỏi cầu Suối Linh đã xảy ra va chạm với một xe tải lưu thông cùng chiều. Sau khi tai nạn xảy ra, chiếc xe tải đã bỏ trốn, riêng anh Tuấn ngã xuống đường tử vong tại chỗ. Nhận tin báo, lực lượng chức năng đã nhanh chóng đến hiện trường giải quyết vụ việc; đồng thời trích xuất hệ thống camerra an ninh tại khu vực này để điều tra làm rõ nguyên nhân.

* Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Dù nguyên nhân dẫn đến tai nạn bắt nguồn từ lỗi của bên nào khi tham gia giao thông đi nữa thì việc người liên quan bỏ trốn khỏi hiện trường, không cứu giúp người gặp nạn là đáng trách. Bởi cứu giúp người bị nạn không chỉ là tình người mà còn là nghĩa vụ.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh cho rằng, việc tài xế sau va chạm giao thông liền rời khỏi hiện trường khi người bị nạn đang cần sự giúp đỡ phản ánh một thực trạng về đạo đức, đó là sự thờ ơ, vô cảm với nỗi đau đớn của đồng loại khi chính mình là người liên quan.

Luật sự định cho rằng tai nạn là điều chẳng ai mong muốn, nhưng nếu họ biết dừng lại, cấp cứu thì người bị nạn có thể vượt qua nguy hiểm. Theo quy định pháp luật hiện hành, người gây tai nạn giao thông phải ở lại nơi xảy ra tai nạn đến khi người của cơ quan công an đến. Có 3 trường hợp người gây tai nạn được quyền rời khỏi hiện trường mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý, cụ thể: Người điều khiển phương tiện bị thương phải đưa đi cấp cứu; tài xế phải đưa người bị nạn đi cấp cứu; vì lý do bị đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, việc rời khỏi chỉ là tạm thời và sau đó phải đến trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất (theo Điểm b, Khoản 1, Điều 38, Luật Giao thông đường bộ 2008 ).

“Trường hợp 2 tài xế đã điều khiển phương tiện rời khỏi hiện trường sau va chạm giao thông đối với 2 nạn nhân trên đã vi phạm pháp luật. Nếu vì lý do khách quan phải rời khỏi hiện trường thì phải để phương tiện lại, giữ nguyên hiện trường, đằng này họ lại lái xe bỏ chạy, trốn tránh trách nhiệm. Đây có thể xem là tình tiết định khung tăng nặng theo Khoản 2, Điều 260 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017)”  - luật sư  Định nhận định.

Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: Người gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn  thì bị phạt tù từ 3-10 năm (tại Mục c, Khoản 2, Điều 260). Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm (điều 132).

Kim Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,831,230       7