Xã hội

Chưa tăng giá dịch vụ y tế

Từ ngày 1-7, mức lương cơ sở tăng từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng. Theo dự kiến của Bộ Y tế, giá các loại dịch vụ y tế cũng sẽ được điều chỉnh tăng theo và sẽ tính thêm chi phí quản lý vào giá dịch vụ.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chăm sóc bệnh nhân sau ca phẫu thuật
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chăm sóc bệnh nhân sau ca phẫu thuật

Tuy nhiên, đến thời điểm này các bệnh viện trong tỉnh Đồng Nai vẫn giữ nguyên giá dịch vụ y tế tính theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương.

* Sẽ tăng dựa vào chỉ số giá tiêu dùng

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về một số vấn đề liên quan đến thực hiện chính sách y tế mới đây, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ Y tế) cho biết, lộ trình từ nay đến cuối năm 2019, giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở mới là 1.490.000 đồng. Như vậy, giá dịch vụ khám bệnh được điều chỉnh từ 26 ngàn đồng đến dưới 40 ngàn đồng/lượt khám. Giá dịch vụ hội chẩn để xác định ca bệnh khó có mức phí tối đa là 200 ngàn đồng.

Tại Đồng Nai, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã triển khai khu khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đang xin chủ trương về khám, chữa bệnh theo yêu cầu của người bệnh. Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đang xây dựng khu khám chữa bệnh theo yêu cầu trong khuôn viên bệnh viện có quy mô 200 giường bệnh với tổng mức đầu tư 87 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ngân hàng và vay của cán bộ, nhân viên trong bệnh viện.

Theo đại diện Bộ Y tế, mặc dù lộ trình tăng giá dịch vụ y tế là thế nhưng việc điều chỉnh giá sẽ căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và điều kiện kinh tế - xã hội. Nếu điều kiện khó khăn, chưa thuận lợi, Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo điều hành giá để xem xét, lùi thời gian thực hiện tăng giá dịch vụ y tế vào năm 2021.

Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm cho hay, hiện nay bệnh viện đang áp dụng giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được quy định tại Thông tư 39 của Bộ Y tế từ giữa tháng 12-2018. Thông tư này được áp dụng đối với những bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Riêng Thông tư số 37 quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế nhưng đi khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế thì đến nay bệnh viện chưa áp dụng. Tức là đến thời điểm hiện tại, bệnh viện vẫn đang áp dụng giá dịch vụ y tế trên mức lương cơ sở 1.390.000 đồng, chưa áp dụng với mức lương cơ sở 1.490.000 đồng.

Cũng theo bà Lê Thị Phương Trâm, khi mức lương cơ sở tăng thêm 100 ngàn đồng, mức đóng bảo hiểm y tế tự nguyện tăng lên, đồng nghĩa với mức đồng chi trả của bảo hiểm y tế cũng tăng lên. Do đó, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Ngoài ra, các đối tượng gồm: người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, các huyện đảo, xã đảo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng, thân nhân là cha - mẹ - vợ - chồng - con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội... khi đi khám chữa bệnh sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí điều trị.

* Chú trọng chất lượng khám, chữa bệnh

Tại cuộc họp giao ban ngành Y tế tháng 7 mới đây, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ lưu ý các bệnh viện, cơ sở y tế công lập trong tỉnh dự kiến trong tháng 8, Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập. Đây là lần đầu tiên có quy định này.

Theo dự kiến, Bộ Y tế ban hành mức giá trần và các bệnh viện sẽ không được áp giá vượt trần nếu cơ sở khám, chữa bệnh theo yêu cầu có sử dụng một phần cơ sở vật chất từ ngân sách nhà nước đầu tư. Hoặc bệnh viện được quyền tự quy định giá nếu tự vay vốn đầu tư và chỉ sử dụng đất trong khuôn viên bệnh viện. Như vậy, các bệnh viện sẽ được quyết định mức thu các dịch vụ khám, chữa bệnh.

Với các cơ sở y tế sử dụng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được Nhà nước đầu tư để tổ chức hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu thì mức giá không được vượt mức giá tối đa do Bộ Y tế ban hành. Còn các đơn vị tự chủ hoàn toàn (cơ sở tự xây, máy móc tự mua, nhân viên tự trả lương) có thể tự xây dựng mức giá, tuy nhiên phải thực hiện kê khai giá công khai cho người bệnh lựa chọn.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho rằng, việc triển khai mô hình dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu sẽ khuyến khích cơ sở y tế đầu tư các khu khám bệnh theo yêu cầu, xây dựng, cải tạo nâng cấp một số buồng bệnh có điều kiện dịch vụ tốt hơn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, nhất là các đối tượng có khả năng chi trả. Đối với người bệnh, mô hình này cũng giúp người dân, kể cả người nghèo, cận nghèo, trẻ em, đối tượng chính sách xã hội hưởng lợi vì được sử dụng các dịch vụ theo yêu cầu, kể cả dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn và được bảo hiểm y tế thanh toán.

“Đề nghị tất cả các bệnh viện công lập trong tỉnh đã, đang và sẽ tổ chức khám, chữa bệnh theo yêu cầu cần chuẩn bị đầy đủ, chu đáo những nội dung liên quan, tránh bị động sau khi Bộ Y tế ban hành thông tư. Lãnh đạo Sở Y tế sẽ trực tiếp xuống từng bệnh viện để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị nhằm thực hiện tốt vấn đề này. Bên cạnh đó, các đơn vị cần nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh để người bệnh ngày càng hài lòng hơn” - TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết.

Hạnh Dung

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,831,157       19