Xã hội

Tập trung dập dịch

Đến thời điểm này, cả nước đã có 6 trường hợp tử vong do mắc bệnh tay chân miệng, trong đó Đồng Nai có 1 ca. Dịch sởi cũng đang bùng phát mạnh mẽ. Đây là tình trạng đáng báo động và rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

PGS-TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế.
PGS-TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế.

PGS-TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nếu Đồng Nai và một số tỉnh, thành như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ngãi… không quyết liệt trong công tác dập dịch sởi, tay chân miệng thì nhiều khả năng sẽ lặp lại “kịch bản” dịch tay chân miệng bùng phát như năm 2012 khiến gần 200 trường hợp tử vong và dịch sởi năm 2014 khiến 142 người tử vong.

 Ông đánh giá như thế nào về công tác phòng chống dịch bệnh tại Đồng Nai trong thời gian vừa qua?

- 2 tháng trở lại đây, Đồng Nai là một trong những điểm “nóng” của cả nước về dịch bệnh, nhất là bệnh tay chân miệng và sởi. Nguyên nhân do đây là địa bàn phức tạp, có dân số đông, dân nhập cư nhiều, giao lưu đi lại lớn, đặc biệt là có nhiều khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân dẫn đến việc quản lý trẻ em gặp rất nhiều khó khăn.

PGS-TS.Trần Đắc Phu: “Bắt buộc trong năm 2018 này, phải có 95% số trẻ trong độ tuổi được tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến khích người dân tiêm vaccine để phòng bệnh”.

Mặc dù vậy, Đồng Nai cũng đã làm tương đối tốt công tác phát hiện ca bệnh, điều trị, cách ly, vệ sinh phòng bệnh, tiêm chủng. Vừa qua, chúng tôi có đi thăm một trường mầm non thấy các cô giáo đã biết cách vệ sinh trường lớp, vệ sinh cho trẻ. Còn cán bộ, y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã rất nỗ lực, gồng mình cứu chữa bệnh nhân, hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

 Đâu là những vấn đề cần lưu ý trong công tác phòng chống dịch bệnh ở Đồng Nai, thưa ông?

- Đồng Nai cần phải rút kinh nghiệm trong việc quản lý, kiểm soát tốt hơn số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng vaccine phòng bệnh. Qua làm việc với Sở Y tế, tôi được biết những trẻ mắc bệnh sởi đều chưa được tiêm chủng, tức là trước đó số trẻ này đã bị bỏ sót. Do đó, khi tiến hành chiến dịch tiêm chủng lần này cần phải rà soát thật kỹ, không để sót một lần nữa.

Ngoài ra, Đồng Nai cũng cần tăng cường hơn nữa việc phân luồng, phân tuyến, cách ly bệnh nhân trong bệnh viện để tránh lây nhiễm chéo. Bởi lẽ hiện nay số bệnh nhi quá đông, số giường bệnh, phòng bệnh không đáp ứng đủ, nếu không sắp xếp hợp lý thì môi trường bệnh viện sẽ dễ khiến bệnh nhi bị lây bệnh lẫn nhau.

 Ông nhận xét gì về việc có đến 30% trẻ chưa đến độ tuổi tiêm vaccine phòng bệnh sởi cũng bị mắc bệnh sởi?

- Rõ ràng đã có sự thay đổi về độ tuổi mắc bệnh sởi so với trước, tức là hiện nay trẻ mắc bệnh sởi sớm hơn, từ trước khi tròn 9 tháng tuổi. Trước kia ngành y tế lấy mốc 9 tháng tuổi để tiêm phòng bệnh sởi mũi đầu tiên vì người mẹ trước khi mang thai đã được tiêm các loại vaccine, trong quá trình mang thai sẽ truyền miễn dịch này cho con, đến khi 9 tháng tuổi thì miễn dịch bệnh bắt đầu giảm nên cần phải tiêm phòng bệnh sởi cho trẻ từ 9 tháng.

Song, cũng có rất nhiều bà mẹ trước khi mang thai đã không tiêm đủ vaccine phòng bệnh nên khi sinh con ra, con không miễn dịch được với bệnh, từ đó dễ bị mắc sởi sớm trước 9 tháng nếu có tiếp xúc với người bị mắc sởi. Trước sự thay đổi về độ tuổi mắc bệnh, Bộ Y tế đang chỉ đạo trong quý IV này sẽ tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho những trẻ từ 6 tháng tuổi ở những vùng có dịch bệnh phức tạp như Đồng Nai.

Ngoài ra, để phòng bệnh hiệu quả, người lớn cũng nên đi tiêm chủng để phòng bệnh sởi/rubella cho mình, cho con và cộng đồng. Việc tiêm phải theo chỉ định của cơ sở y tế.

 Dịch bệnh tay chân miệng năm nay bùng phát mạnh vào đúng dịp khai trường. Nhiều ca bệnh nặng và tử vong được xác định có liên quan đến chủng virus EV71. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

- EV71 là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng về thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim, viêm não… có thể gây tử vong nhanh.

Đoàn công tác của Bộ Y tế và Sở Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại Trường mầm non tư thục Ngọc Lan 2 (phường Long Bình, TP.Biên Hòa).
Đoàn công tác của Bộ Y tế và Sở Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại Trường mầm non tư thục Ngọc Lan 2 (phường Long Bình, TP.Biên Hòa).

Đa số các trường hợp đã tử vong đều phát hiện nhiễm EV71. Cho đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng ngừa nhiễm virus EV71 tại Việt Nam. Chính vì vậy, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và đưa trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất là biện pháp vô cùng quan trọng nhằm phòng ngừa mắc bệnh tay chân miệng.

Bộ Y tế đề nghị tỉnh Đồng Nai cần phát động chiến dịch làm vệ sinh tại gia đình, ấp, khu phố, xã, phường, quản lý nguồn phân thải. Đặc biệt cần cấp hóa chất cloramin B cho các trường mẫu giáo, hướng dẫn các trường có  lịch vệ sinh trường lớp cụ thể. Nếu đã cấp hóa chất rồi mà trường nào không thực hiện cũng phải có hướng xử lý. Về hóa chất, nếu tỉnh còn thiếu hoặc hết thì Bộ Y tế sẽ cấp. Phải làm thật nghiêm túc, khẩn trương như chống dịch tả mới đem lại hiệu quả.

 Xin cảm ơn ông!

Bộ Y tế họp khẩn thông báo tình hình dịch bệnh

Chiều 9-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về tình hình dịch bệnh đang bùng phát mạnh.

Theo đó, 9 tháng của năm 2018 cả nước ghi nhận hơn 61,8 ngàn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó có hơn 29,3 ngàn trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong. Một số tỉnh, thành có dịch bệnh gia tăng nhanh như: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Hà Nội. Riêng khu vực phía Nam chiếm 77,6% ca mắc bệnh.

Về bệnh sởi, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 3 ngàn trường hợp sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố. Trong đó gần 1,1 ngàn trường hợp dương tính với bệnh sởi và đã có 1 trường hợp tử vong tại Hưng Yên. Độ tuổi mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi, trẻ từ 1-4 tuổi. Phần lớn đối tượng mắc đều chưa được tiêm chủng và không rõ tiền sử tiêm chủng.

Dịch sốt xuất huyết cũng đang lưu hành ở 62 tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh miền Nam và miền Trung. Cả nước đã ghi nhận hơn 67,4 ngàn ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó có 11 trường hợp tử vong tại: Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Cà Mau, Khánh Hòa, An Giang, Bình Định, Trà Vinh và TP.Hồ Chí Minh. Bộ Y tế nhận định dịch sốt xuất huyết có thể kéo dài đến hết tháng 11 năm nay.

Như vậy, Đồng Nai là tỉnh có cả 3 loại dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành, đã có 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết và tay chân miệng. Từ đầu tháng 8 đến nay, số ca mắc sởi, tay chân miệng liên tục tăng mạnh khiến cả ngành y tế phải huy động hết công suất, mọi nguồn lực để khẩn trương dập dịch. Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bạch Thái Bình cho biết, đến nay toàn tỉnh ghi nhận 190 ca mắc sởi, gần 7 ngàn ca mắc tay chân miệng và hơn 4 ngàn ca sốt xuất huyết.

Hạnh Dung (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,830,182       39