Bạn đọc

Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản: Tăng năng suất, năng lực cạnh tranh

Vấn đề hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không chỉ giải quyết đầu ra ổn định của nông sản, mà còn góp phần tăng sức sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh cũng như nâng cao chất lượng nông sản.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn.
Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh, tình hình phát triển chuỗi liên kết ở Đồng Nai còn nhiều hạn chế.

 Thưa ông, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ đem lại những lợi ích gì cho nông dân ở Đồng Nai?

- Nhìn chung, thực hiện chuỗi liên kết theo đúng cách sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực, khắc phục được những tồn tại, yếu kém của tình trạng mạnh ai nấy làm trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Do nông nghiệp sản xuất theo hướng tự phát là chính nên dẫn đến vấn đề sản phẩm làm ra không bảo đảm về mẫu mã, kích cỡ và vệ sinh an toàn thực phẩm; không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như định hướng xuất khẩu. Vì vậy, nếu các thành phần tham gia hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên quy mô lớn sẽ có những hỗ trợ về giống, kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực phẩm cũng như được đầu tư cho quy trình sản xuất, chế biến giúp nông dân xây dựng thương hiệu chuẩn Vietgap,  Globalgap… Từ đây có thể tạo ra sản phẩm đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường với những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, gây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, đồng thời là “giấy thông hành” để nông sản có thể xuất khẩu.

Cho đến nay, nhiều đơn vị hợp tác, liên kết qua thời gian thực hiện đã phát huy hiệu quả như: Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) đã được chứng nhận GlobalGAP; Hợp tác xã sầu riêng Xuân Định (huyện Xuân Lộc), Hợp tác xã trồng điều An Viễn (huyện Trảng Bom) đều đã được chứng nhận VietGAP. Mới đây, giữa Lifsap và nhiều chủ trại chăn nuôi heo của Đồng Nai cũng tiến hành ký kết hợp đồng tiêu thụ heo số lượng lớn.

Song vấn đề này ở Đồng Nai lâu nay còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chưa mạnh dạn thực hiện, từ đó khó kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp vì nguồn vốn cho lĩnh vực này lớn, nhiều rủi ro, trong khi chu kỳ quay vòng đồng vốn lại dài, lợi nhuận không cao. Do vậy, nhiều doanh nghiệp còn e ngại hợp tác, liên kết với nông dân bởi diện tích đất canh tác manh mún, thiếu người đại diện đủ tầm để bảo đảm thực hiện ổn định chất lượng mang tính lâu dài. Bên cạnh đó, việc dự báo cung - cầu hoặc giá các loại nông sản còn thiếu thông tin, thị trường tiêu thụ bấp bênh… là những vấn đề khiến việc hợp tác, liên kết gặp nhiều khó khăn.

 Để khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ gì, thưa ông?

- Liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là chủ trương lớn của tỉnh trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Mục tiêu của Đồng Nai đến năm 2020 phải đạt tối thiểu 20% giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết.

Đồng Nai hiện có 21 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã nông nghiệp, 22 tổ hợp tác và 80 trang trại chăn nuôi đã chủ động thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với tổng số 51 chuỗi liên kết được hình thành. Ngoài ra, còn có 9 doanh nghiệp, 18 hợp tác xã thực hiện xây dựng 33 dự án cánh đồng lớn, trong đó 19 dự án lớn với tổng diện tích 7.131 hécta với 6 ngàn hộ nông dân tham gia. Bên cạnh đó còn có 14 dự án đã được Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn chấp thuận chủ trương.

Để khuyến khích nông dân và các thành phần kinh tế khác tham gia vào hoạt động tạo chuỗi liên kết, Nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ như: chi phí tư vấn (tối đa 300 triệu đồng); 30% chi phí đầu tư máy móc, trang thiết bị, xây dựng công trình hạ tầng phục vụ chuỗi liên kết (tối đa 10 tỷ đồng); 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật đồng bộ theo chuỗi; xây dựng mô hình khuyến nông, giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung... Ngoài ra, các chính sách ưu đãi còn lồng ghép vào chủ trương đầu tư cho nông nghiệp của địa phương như: ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, chính sách hỗ trợ khoa học - công nghệ...

 Thời gian tới, ngành có những giải pháp gì thúc đẩy sự phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản lâu dài?

- Thời gian qua Đồng Nai khá vất vả vì có những đợt phải tổ chức “giải cứu” cho heo hay chuối. Nguyên nhân cơ bản là do nông dân không thực hiện đúng quy hoạch của ngành. Ví dụ, toàn tỉnh có 7 ngàn hécta trồng chuối các loại tập trung nhiều ở 2 huyện Thống Nhất và Trảng Bom mà nguồn bao tiêu sản phẩm chủ yếu dựa vào Trung Quốc. Khi thấy chuối được giá, nông dân đổ xô trồng chuối, nâng diện tích trồng chuối cấy mô lên 655 hécta (năm 2016 chỉ có 100 hécta trồng chuối loại này). Đến lúc thu hoạch gần như rộ lên cùng thời điểm, trong khi Việt Nam bị mất thị trường Trung Quốc dẫn đến dội chợ khiến tỉnh phải đứng ra hỗ trợ nông dân. Nuôi heo cũng tương tự, trước đây người chăn nuôi chỉ chăm sóc đàn đến khi đạt 90-100 kg/con là xuất chuồng, nay hầu hết nông dân nuôi giống cao sản trọng lượng từ 120-180kg/con khiến sản lượng tăng gần gấp đôi dù tổng đàn tăng không đáng kể. Điều này vượt quá nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Từ những tồn tại này, trong thời gian tới Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn sẽ tham mưu UBND tỉnh những chính sách hỗ trợ các đối tượng góp phần tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để tiến hành tổ chức đối thoại, mời gọi doanh nghiệp, hợp tác xã và các thành phần kinh tế có năng lực tham gia. Ngoài ra, ngành sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của các hợp tác xã nông nghiệp lên đủ mạnh để làm đại diện của nông dân thực hiện chuỗi liên kết và tăng cường hỗ trợ, xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm, trong đó có kết nối với du lịch để mở rộng  thị trường tiêu thụ.

 Xin cảm ơn ông!

   Phương Liễu (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,830,102       43