Xã hội

Khẩn trương thực hiện các biện pháp dập dịch

(ĐN)- Trước tình hình các loại dịch bệnh: tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, ngày 4-10, đoàn công tác của Bộ Y tế đã trực tiếp về làm việc tại Đồng Nai.

* Thực hiện đồng bộ các giải pháp để trẻ em được tiêm vaccine sởi đầy đủ

(ĐN)- Trước tình hình các loại dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, ngày 4-10, đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS – TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng làm trưởng đoàn đã về làm việc tại Đồng Nai.

Đoàn công tác của Bộ Y tế và Sở Y tế kiểm tra tình hình điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai (ảnh: Hữu Bằng)
Đoàn công tác của Bộ Y tế và Sở Y tế kiểm tra tình hình điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai (ảnh: Hữu Bằng)

Theo PGS – TS.Trần Đắc Phu, dịch tay chân miệng và sởi đang ở mức đáng báo động, vì vậy lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo để các sở, ngành, địa phương, người dân nâng cao ý thức, khẩn trương thực hiện các biện pháp dập dịch, tránh lây lan rộng thêm. Bởi, nếu để dịch bùng phát như những năm trước sẽ gây ra những tổn thất lớn cả về người và của.

Cục trưởng Cục y tế dự phòng cũng đề nghị ngành y tế khẩn trương rà soát để quản lý đối tượng trẻ trong độ tuổi, tiến hành chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ trong phạm vi toàn tỉnh, tránh bỏ sót đối tượng. Đồng thời, tiến hành cấp phát thuốc khử trùng đến các cơ sở giáo dục mầm non, trường học, hướng dẫn cán bộ, giáo viên nhà trường tiến hành tiêu độc, khử trùng nhà vệ sinh, đồ chơi, bàn ghế…, sớm cách ly nếu phát hiện trẻ bị bệnh để điều trị kịp thời, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Đến kiểm tra, làm việc tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, đoàn được lãnh đạo bệnh viện cho biết, tính đến hết tháng 9 đã có hơn 1,7 ngàn ca mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị nội trú. Riêng tháng 9 có đến 593 bệnh nhân nhập viện điều trị, chiếm 34,7%.

Đoàn công tác hướng dẫn giáo viên, bảo mẫu Trường mầm non tại phường Long Bình, TP.Biên Hòa cách phòng tránh bệnh tay chân miệng, sởi cho trẻ
Đoàn công tác hướng dẫn giáo viên, bảo mẫu Trường mầm non tại phường Long Bình, TP.Biên Hòa cách phòng tránh bệnh tay chân miệng, sởi cho trẻ

Đoàn công tác của Bộ Y tế đề nghị bệnh viện xem xét những bệnh nhân các khoa khác bị nhiễm bệnh là do nhiễm ngoài cộng đồng hay bị nhiễm khi nhập viện điều trị để từ đó có phương án cách ly, hạn chế lây nhiễm chéo. Bệnh viện cũng nên tổ chức tập huấn cho các bệnh viện tuyến huyện về những kiến thức, kỹ năng phát hiện và chẩn đoán bệnh để điều trị sớm cho bệnh nhân, hạn chế chuyển viện. Nên có khu vực riêng biệt cho những bệnh nhân điều trị sởi và tay chân miệng, tránh lây bệnh lẫn nhau.

Chiều cùng ngày, đoàn đã đến kiểm tra một trường mầm non tại phường Long Bình (TP.Biên Hòa). Qua ghi nhận cho thấy, nhà trường đã quan tâm thực hiện khá đầy đủ công tác phòng chống bệnh; có bảng thông tin phòng bệnh cho phụ huynh biết, giáo viên cũng đã được tập huấn kiến thức kỹ năng phòng chống bệnh.

PGS – TS.Trần Đắc Phu khuyến khích người dân nên đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để tiêm vaccine phòng sởi cho con, em mình. Đồng thời cho biết, hiện Bộ Y tế đã cho phép tiêm phòng lưu động, nhất là bệnh sởi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong công tác tiêm phòng. Ông đề nghị Đồng Nai cần rốt ráo thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu đạt 95% trở lên số trẻ trên địa bàn tỉnh được tiêm vaccine sởi đầy đủ.

Hạnh Dung

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,831,171       14