Bạn đọc

Xử phạt nghiêm những cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

TS.NGUYỄN HÙNG LONG, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Đồng Nai là một trong những địa bàn trọng điểm được Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) chọn để tiến hành hậu kiểm về vấn đề ATTP. Mục đích nhằm góp phần kiểm soát bảo đảm ATTP các khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường; kiểm tra những hồ sơ tự công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, ghi nhãn, quảng cáo… của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm.

TS.NGUYỄN HÙNG LONG, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Đồng Nai là một trong những địa bàn trọng điểm được Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) chọn để tiến hành hậu kiểm về vấn đề ATTP. Mục đích nhằm góp phần kiểm soát bảo đảm ATTP các khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường; kiểm tra những hồ sơ tự công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, ghi nhãn, quảng cáo… của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm.

 Thưa ông, ông đánh giá như thế nào sau đợt hậu kiểm về ATTP tại Đồng Nai trong những ngày vừa qua?

- Đợt hậu kiểm này chúng tôi tập trung kiểm tra tại một số doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, đặc biệt là nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Bộ Y tế quản lý.

Qua kiểm tra 8 cơ sở tại các huyện: Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa, chúng tôi thấy các doanh nghiệp về cơ bản đã tuân thủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp có đăng ký, có công bố sản phẩm, có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP, nhưng sau đó lại không sản xuất sản phẩm. Có những doanh nghiệp đã tháo dỡ máy móc, không sản xuất thực phẩm nhưng không báo cáo với các cơ quan chức năng và sự việc chỉ được phát hiện khi đoàn kiểm tra đến làm việc. Với doanh nghiệp này, chúng tôi sẽ tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất đã cấp.

Với các doanh nghiệp đang tiến hành sản xuất thực phẩm, một số cơ sở còn chưa đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh. Những lỗi nhỏ có thể khắc phục được ngay, chúng tôi đã nhắc nhở, yêu cầu cơ sở thực hiện khắc phục. Với những lỗi vi phạm nặng, chúng tôi tiến hành lập biên bản để ra quyết định xử phạt.

Về công bố sản phẩm, một doanh nghiệp có sản phẩm chưa được công bố nhưng đã đưa ra thị trường. Mặc dù theo báo cáo của doanh nghiệp đây mới là sản xuất thử, nhưng theo quy định khi doanh nghiệp chưa công bố sản phẩm thì không được đưa ra thị trường. Chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp phải thu hồi toàn bộ sản phẩm đã tung ra thị trường. Và dĩ nhiên, lỗi đó cũng sẽ bị xử phạt nghiêm.

Về quảng cáo sản phẩm, cơ bản các doanh nghiệp đã thực hiện việc xác nhận nội dung quảng cáo. Nhưng cũng có doanh nghiệp tự ý đưa lên trang web của họ những thông tin quảng cáo chưa được cơ quan quản lý xác nhận. Chúng tôi đã yêu cầu dừng và gỡ bỏ tất cả những nội dung quảng cáo đó và chỉ được quảng cáo những nội dung trên khi có xác nhận của cơ quan quản lý.

 Trên thực tế, có tình trạng thanh, kiểm tra về ATTP nhiều cơ sở nhưng xử phạt những cơ sở vi phạm thì không bao nhiêu, chưa mang tính răn đe. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

- Qua báo cáo của các cơ quan chức năng cho thấy, việc thanh kiểm tra về ATTP ở tuyến cơ sở từ cấp huyện đến cấp xã được triển khai với số lượng nhiều.

Đoàn công tác của Cục An toàn thực phẩm kiểm tra chi nhánh Công ty cổ phần Vital (sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng, đóng tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom).
Đoàn công tác của Cục An toàn thực phẩm kiểm tra chi nhánh Công ty cổ phần Vital (sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng, đóng tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom).

Với những lỗi nhỏ như vệ sinh chưa sạch sẽ, bày biện chưa gọn gàng thì hầu như đoàn thanh, kiểm tra chỉ nhắc nhở, tuyên truyền để cơ sở thực hiện cho đúng. Với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì chắc chắn sẽ bị xử lý ngay.

Tuy nhiên, việc xử phạt chưa nhiều, chưa mang tính răn đe. Nguyên nhân do năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thanh, kiểm tra cấp xã, phường còn hạn chế, chưa phát hiện được những sai phạm của cơ sở. Đặc biệt, ở cấp xã, phường vẫn tồn tại tình trạng nể nang do quen biết nên phần lớn chỉ nhắc nhở là chính chứ chưa xử phạt nhiều.

 Giải pháp để khắc phục hạn chế này là gì, thưa ông?

- Theo quy định mới, doanh nghiệp được phép tự công bố sản phẩm của đơn vị sản xuất. Như vậy, toàn bộ lực lượng cán bộ trước đây làm công tác công bố sản phẩm sẽ tập trung vào công tác hậu kiểm. Chúng tôi đã có đề án trình Chính phủ cho thí điểm thanh tra chuyên ngành ở cấp quận, cấp phường và hiện đã triển khai thí điểm ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Sau khi tập hợp kết quả, chúng tôi sẽ triển khai thí điểm tiếp ở một số địa phương và báo cáo Chính phủ cho nhân rộng ra toàn quốc.

Có thể nói, việc đảm bảo ATTP không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực phẩm mà yêu cầu cộng đồng trách nhiệm, nhất là phía người tiêu dùng. Một khi doanh nghiệp làm sai bị người tiêu dùng tẩy chay thì dĩ nhiên doanh nghiệp không thể cứ mãi “sống khỏe” được.

Nội dung chính của đề án sẽ tập trung tập huấn kỹ nhằm nâng cao năng lực phát hiện vi phạm, xử phạt khi đi thanh, kiểm tra về ATTP cho cán bộ quản lý ở cấp xã. Vấn đề này sẽ được triển khai từng bước để nâng dần chất lượng đội ngũ nhân lực làm công tác thanh, kiểm tra về ATTP, kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.

 Ông đánh giá như thế nào về vai trò của người tiêu dùng trong việc đảm bảo vệ sinh ATTP?

- Không chỉ có quyền được đảm bảo vệ sinh ATTP, người tiêu dùng còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện những sai phạm trong vấn đề ATTP, nhất là những sản phẩm mình trực tiếp sử dụng để báo với cơ quan chức năng. Đặc biệt, người tiêu dùng phải có ý thức về lựa chọn thực phẩm, tẩy chay những sản phẩm không đạt yêu cầu, sản xuất không đúng quy cách, tránh tình trạng người tiêu dùng biết sản phẩm đó không đạt yêu cầu nhưng vẫn chấp nhận mua. Đến khi không vừa ý lại đi khiếu nại.

Tôi lấy ví dụ một gánh bún hàng rong ngồi ngay trước một miệng cống để bán hàng. Nếu người tiêu dùng vẫn chấp nhận ngồi ở ngay miệng cống để ăn bún thì người bán bún vẫn bán. Nhưng nếu người tiêu dùng không chấp nhận ngồi tại nơi mất vệ sinh như vậy để ăn thì dĩ nhiên sẽ tạo sức ép buộc người bán bún phải chọn một địa điểm khác sạch sẽ hơn để bán.

Với những phản ánh của người tiêu dùng về sai phạm của các doanh nghiệp, chúng tôi yêu cầu cơ quan quản lý ở địa phương tiến hành kiểm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định.

 Xin cảm ơn ông!

Hạnh Dung (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,830,124       46