Bạn đọc

Nhu cầu học bán trú

Với nhiều gia đình có con học THCS, hàng ngày phải đón đưa con học chính khóa, học thêm quá mất thời gian. Vì thế, nhu cầu học sinh được học bán trú ở trường sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề cho mỗi gia đình hiện nay…

Với nhiều gia đình có con học THCS, hàng ngày phải đón đưa con học chính khóa, học thêm quá mất thời gian. Vì thế, nhu cầu học sinh được học bán trú ở trường sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề cho mỗi gia đình hiện nay…

Học sinh đang học kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài.
Học sinh đang học kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài.

Lâu nay, ngoài khối dân lập thì hệ thống công lập chưa có trường THCS nào dạy bán trú. Trường phổ thông thực hành sư phạm thuộc Trường đại học Đồng Nai được xem là mô hình mới khi tổ chức bán trú cho học sinh THCS.

* Đổ xô đăng ký vào trường bán trú 

Là năm thứ hai đi vào hoạt động, nhưng Trường phổ thông thực hành sư phạm mới đây đã tiếp nhận hơn 900 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào lớp 6, trong khi chỉ có 260 chỉ tiêu. Chỉ học văn hóa một buổi, còn lại học sinh được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, rèn luyện nâng cao thể chất và kỹ năng sống.

Năm nay con gái anh Nguyễn Ngọc Ánh, ngụ phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) vào lớp 6. Ngay từ năm học cuối bậc tiểu học, anh Ánh đã “nhắm” cho con mình vào Trường phổ thông thực hành sư phạm. Hôm xem danh sách trúng tuyển, anh Ánh thở phào nhẹ nhõm vì con được vào học trường này. “Tôi thấy số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường quá nhiều, tỷ lệ 1 “chọi” 4 nên khá lo. Khi thấy cháu có tên trong danh sách, tôi mới an tâm. Thực sự tôi muốn con vào trường này là vì cháu được học bán trú, mỗi ngày tôi không phải mất 5 lần đưa đón đi, về các điểm học” - anh Ánh cho biết.

Còn chị Nguyễn Phương Lan, ở xã Hóa An, có con trai năm nay lên lớp 7 của Trường phổ thông thực hành sư phạm, chia sẻ: “Cháu học ở đó rất nhẹ nhàng nên dù ở tận xã Hóa An, cháu vẫn đến lớp đúng giờ nhờ xe đưa đón. Ở trường, cháu được tham gia nhiều chương trình ngoại khóa, như: học kỹ năng sống, đá bóng, bơi lội, có giáo viên nước ngoài về kèm thêm Anh văn… Do học 2 buổi, nên cháu không phải đi học thêm nữa, đỡ khổ cho mẹ và đỡ cực cho con”.

Đối với chị Nguyễn Ngọc Nga (phường Tam Hòa) thì tiếc mãi vì con không vào được Trường phổ thông thực hành sư phạm do thiếu 1 điểm. Theo chị Nga, trường mới mở nên chưa biết chất lượng dạy và học ra sao. Nhưng nếu cháu được vào học bán trú ở đây thì gia đình rất yên tâm, bởi học sinh được quản lý chặt chẽ, cha mẹ không phải vất vả đưa đón con đi học như lâu nay.

* Nhu cầu chính đáng…

“Học bán trú để học sinh có điều kiện được giáo dục toàn diện, đó là nhu cầu chính đáng và tích cực của phụ huynh, học sinh và những người làm công tác giáo dục” - ông Trần Đình Vinh, Trưởng phòng Trung học Sở GD-ĐT khẳng định.

Ông Trần Minh Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai - đơn vị quản lý Trường phổ thông thực hành sư phạm, cho biết trước nhu cầu của đông đảo phụ huynh và học sinh trong việc học bán trú, nhà trường chưa thể đáp ứng tất cả nguyện vọng được. Hiện tại, trường chỉ mới xây dựng một số lớp THCS, THPT; sắp tới mới tính mở các lớp tiểu học và mầm non thực hành để phục vụ cho việc thực hành sư phạm của giáo sinh.

Ông Vinh cho rằng, học sinh học bán trú sẽ có nhiều thời gian để rèn luyện kiến thức và thể chất, cũng như được trang bị kỹ năng sống. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chương trình học THCS khá nặng. Vì thế, học 1 buổi giáo viên khó có thể chuyển tải hết bài học, học sinh cũng không thể lĩnh hội đầy đủ nội dung chương trình. Còn khi học bán trú, một buổi học văn hóa, buổi còn lại học ngoại khóa giúp các em nâng cao nhận thức bài vở, đồng thời phát triển toàn diện các mặt.

Học sinh Trường phổ thông thực hành sư phạm trong một chuyến thăm địa đạo Củ Chi.
Học sinh Trường phổ thông thực hành sư phạm trong một chuyến thăm địa đạo Củ Chi.

Ở Đồng Nai hiện mới có các trường dân lập tổ chức dạy bán trú từ TH-THCS-THPT, như: Bùi Thị Xuân, Lê Quý Đôn… Riêng khối công lập, cũng có một số trường THCS ở tuyến huyện dạy 2 buổi, nhưng chỉ tập trung học văn hóa. Một trong những khó khăn cho việc triển khai học bán trú là do tình trạng thiếu cơ sở vật chất. Theo ông Vinh, Trường phổ thông thực hành sư phạm mới thành lập nên chưa thể đánh giá toàn diện chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của trường rộng rãi, trường trang bị đầy đủ các phòng thực hành; có sân bóng, hồ bơi, sân chơi rộng thoáng… nên rất thuận lợi giúp cho học sinh thực hành để trải nghiệm. Đây là điều kiện để học sinh học tập trung, đồng thời rèn luyện thể chất hiệu quả.

       Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,830,182       32