Xã hội

Tai nạn thương tích vẫn ở mức cao

Mặc dù triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn thương tích, nhưng số trẻ bị tai nạn thương tích trong 5 năm gần đây không những không giảm mà có năm còn tăng cao đột biến.

Trẻ bị tai nạn thương tích được điều trị tại Khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai).  Ảnh: N.SƠN
Trẻ bị tai nạn thương tích được điều trị tại Khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai). Ảnh: N.SƠN

Trong đó, những tai nạn thương tích mà trẻ thường gặp là: đuối nước, tai nạn giao thông, bỏng, điện giật, ngã, động vật cắn, tai nạn do máy móc...

* Tai nạn nhìn từ bệnh viện

Hơn một tuần cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, đến nay vết bỏng trên bụng, tay và 2 chân của bệnh nhân Tr.M. H. (9 tháng tuổi) ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa) đã khô và hồi phục tốt. Chị L.T.T.C. (mẹ của em H.) cho biết sáng sớm ngày 12-7, trước khi đi làm chị có hãm một ca trà xanh để trên bàn, lúc đó H. được đặt trên chiếc xe tập đi. Trong lúc cha mẹ chuẩn bị đi làm, không để ý, tay em H. với trúng làm ca nước trà xanh đổ xuống, nước nóng từ ca trà xanh dội xuống bụng, 2 chân và cánh tay của em H. gây bỏng. Ngay lập tức, gia đình đưa em H. vào Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cấp cứu. Những ngày đầu vết thương còn đau nên em H. quấy khóc khiến cho người thân đi chăm sóc cũng vô cùng vất vả.

Vết thương ở bàn tay phải của em V.Q.Tr. (9 tuổi, xã An Viễn, huyện Trảng Bom) có khả năng sẽ khiến em không thể cầm bút viết, cầm nắm đồ vật không còn linh hoạt như trước. Theo lời kể của Tr., bên cạnh nhà em có căn nhà đang xây, trước nhà có đặt máy trộn bê tông. Trong lúc máy đang trộn, người làm lại đi vào bên trong, vì tò mò Tr. đã bốc cát ném vào máy và gặp nạn khiến xương ngón tay bị gãy, trên bàn tay bị rách nhiều đường phải may. Với tai nạn này, sau khi vết thương lành chức năng bàn tay phải của em sẽ giảm đáng kể.

Có những trường hợp tai nạn theo các bác sĩ là hoàn toàn có thể tránh được, nhưng vẫn xảy ra đối với các em. Điển hình là trường hợp của em N.P.T. (18 tháng tuổi, ở huyện Vĩnh Cửu) bị chấn thương sọ não, hiện đã được phẫu thuật và hồi phục tốt. Theo như lời kể của người nhà, bệnh nhân N.P.T. bị chấn thương sọ não do một cái ly thủy tinh văng trúng gây chấn thương và văng một mảnh xương sọ có kích thước 1x2,5cm xuống đất. Sau khi nhập viện, T. đã được phẫu thuật, đến nay sức khỏe đã ổn định.

* Tạo môi trường sống an toàn cho trẻ

Theo đánh giá của Sở Lao động - thương binh và xã hội, từ năm 2011 đến tháng 6-2016 toàn tỉnh, có trên 54 ngàn trẻ bị tai nạn thương tích làm tử vong 219 em (trong đó có 133 trẻ tử vong do đuối nước, chiếm 61%). Năm 2014 là năm có số lượng trẻ bị tai nạn thương tích tăng cao, trên 13 ngàn trẻ bị tai nạn thương tích.

Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống tai nạn thương tích giai đoạn 2011-2015, triển khai phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 do Sở Lao động - thương binh và xã hội tổ chức mới đây, hầu hết các đại biểu đều cho rằng nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em là do môi trường sống xung quanh trẻ thiếu an toàn; công tác tuyên truyền, dạy bơi, hướng dẫn phòng chống đuối nước còn mang tính phong trào; thiếu khu vui chơi, giải trí an toàn lành mạnh cho trẻ em. Một nguyên nhân khác cũng đáng quan tâm là do đời sống người dân còn nhiều khó khăn, vì cuộc sống mưu sinh các bậc phụ huynh không có thời gian để mắt đến con cái, không có điều kiện để cho con đi học bơi, học năng khiếu dịp hè...

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, từ đầu năm 2016 đến nay bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị trên 4 ngàn ca tai nạn thương tích ở trẻ em. Trong đó, trẻ bị tai nạn thương tích tại nhà chiếm khoảng 72% số ca tại bệnh viện. Điều này cho thấy, việc tạo ngôi nhà an toàn cho trẻ sẽ giảm đáng kể số trẻ bị tai nạn thương tích.

Khó, nhưng không phải không làm được. Từ năm 2013-2015, số trẻ bị tai nạn thương tích của huyện Xuân Lộc giảm dần. Nếu như năm 2013 có 378 em bị tai nạn thương tích, thì năm 2014 giảm còn 362 em và năm 2015 là 302 em. Bà Nguyễn Thị Chương, cán bộ phụ trách công tác trẻ em (Phòng Lao động - thương binh và xã hội) khẳng định đây là kết quả của sự chung tay, góp sức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện.

Sự góp sức ấy thể hiện ở việc hàng năm, Phòng Lao động - thương binh và xã hội tham mưu cho UBND huyện ban hành công văn và phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em; nhắc nhở các xã, thị trấn về vấn đề này tại các cuộc họp giao ban hàng tháng. Các xã, thị trấn của huyện mời các hộ dân có ao, hồ, công trình thủy lợi ký cam kết đảm bảo an toàn. UBND huyện cũng chỉ đạo các hộ kinh doanh hồ bơi giảm 50% giá vé cho trẻ trong dịp hè. Bên cạnh tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, huyện Xuân Lộc còn phát tờ rơi tuyên truyền đến từng hộ dân, từng lớp học; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí gắn với tuyên truyền tai nạn thương tích, đuối nước...

Biểu đồ số liệu trẻ bị tai nạn thương tích từ năm 2011 đến 6 tháng 2016 (do Sở Lao động - thương binh và xã hội cung cấp)
Biểu đồ số liệu trẻ bị tai nạn thương tích từ năm 2011 đến 6 tháng 2016 (do Sở Lao động - thương binh và xã hội cung cấp)

Từ vụ việc 3 em nhỏ tử vong tại hố nước tưới rau trên địa bàn phường cách đây chưa lâu, Phó chủ tịch UBND phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) Nguyễn Quang Tuyến cho rằng dạy bơi là tốt, nhưng phải dạy thêm cho các em kỹ năng xử lý khi gặp người đuối nước, trang bị kỹ năng sơ cấp cứu cho cả trẻ em và người lớn trong từng trường hợp tai nạn thương tích. Các bậc phụ huynh cần có sự quan tâm, để mắt đến trẻ nhiều hơn, ít nhất cũng phải biết con mình làm gì, chơi gì, những trò chơi đó có phù hợp hay không và định hướng cho trẻ tránh những hiểm nguy rình rập. Và giải pháp quan trọng theo ông Nguyễn Quang Tuyến, đó là tạo môi trường an toàn cho trẻ từ chính ngôi nhà, trường học và những nơi công cộng.

Nga Sơn

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,831,380       20