Sức khỏe

Trẻ sơ sinh cũng có thể bị đột quỵ

Với hầu hết người trẻ tuổi, bị đột quỵ có vẻ là điều không thể. Và đây là suy nghĩ tai hại bởi đột quỵ xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh, thiếu niên, thanh niên.

Phần lớn các chuyên gia xếp những người dưới 45 tuổi mắc đột quỵ thuộc nhóm bệnh nhân trẻ. Hiện nay, tỷ lệ mắc đột quỵ nói chung đang giảm dần. Tuy nhiên, số người trẻ tuổi mắc bệnh lại có chiều hướng gia tăng (ở nhóm 20-54 tuổi) - tăng 13-19%.

Trẻ sơ sinh cũng có thể bị đột quỵ - Ảnh 1.

"Một vài nghiên cứu cho rằng đột quỵ ở nhóm tuổi trẻ hơn đang gia tăng, nhưng cần thêm nhiều bằng chứng chắc chắn", Andrew Russman, chuyên gia thần kinh học và chăm sóc đột quỵ tại bệnh viện Cleveland (Mỹ) cho biết.

Đây là một số thống kê hàng năm về nhóm bệnh nhân trẻ mắc đột quỵ tại Mỹ:

- Đột quỵ xảy ra ở 4.000 trẻ sơ sinh.

- Từ lúc sinh ra tới 18 tuổi, cứ 100.000 trẻ em và thiếu niên thì có 11 trường hợp bị đột quỵ.

- Đột quỵ xảy ra với mọi người dưới 45 tuổi với tỷ lệ 7-15/100.000 người.

Đột quỵ ở nhóm trẻ tuổi khác biệt như thế nào? Dấu hiệu của đột quỵ

Đột quỵ ở nhóm người dưới 45 tuổi cần có cách tiếp cận khác biệt trong điều trị và quản lý vì cần phải tìm ra những nguyên nhân khác nhau. "So với đột quỵ ở người già, đột quỵ ở người trẻ khác hẳn", Ausim Azizi, Trưởng khoa Thần kinh học Trường Đại học Y ở Philadelphia cho biết.

Đột quỵ xảy ra khi nguồn máu cung cấp tới não bị giảm. Ở người lớn tuổi, nguyên nhân thường gặp nhất là cục máu đông có thể hình thành trong các mạch máu của não, hoặc trong mạch máu dẫn đến não, hay trong các mạch máu ở những nơi khác của cơ thể đi đến não; những cục máu đông chặn lưu lượng máu đến các tế bào của não. Dạng này chiếm tỉ lệ cao trên 80% các ca đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Trẻ sơ sinh cũng có thể bị đột quỵ - Ảnh 2.

Tuy nhiên, ở trẻ em, nguyên nhân thường gặp bao gồm nhiễm trùng, chấn thương, rối loạn tim mạch, bệnh hồng cầu hình liềm, và mất nước.

"Các bệnh tim mạch là nguyên nhân khiến đột quỵ gia tăng ở nhóm trẻ tuổi. Một nguyên nhân khác cần được xem xét là sử dụng ma túy, nhất là loại tiêm tĩnh mạch", Tiến sĩ Azizi nói. Các bệnh tim mạch gồm bệnh thấp tim, van tim bất thường hoặc tồn tại lỗ bầu dục (lỗ trong tim không đóng đúng cách sau khi sinh ra).

"Nguyên nhân đột quỵ khác ở nhóm trẻ tuổi còn có thể bao gồm chứng đau nửa đầu, dùng thuốc ngừa thai, và hút thuốc", Tiến sĩ Russman cho biết.

Phòng ngừa và phục hồi sau đột quỵ ở nhóm trẻ tuổi

"Nếu đột quỵ đang gia tăng ở những người dưới 45 tuổi, thì một trong những lý do chính có thể béo phì", Russman nói. "Béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên ngày một gia tăng. Béo phì làm tăng nguy cơ cao huyết áp, cholesterol cao và tiểu đường. Tất cả đều là yếu tố gây nguy cơ đột quỵ cao ở mọi lứa tuổi".

Trẻ sơ sinh cũng có thể bị đột quỵ - Ảnh 3.

Phòng ngừa đột quỵ ở mọi lứa tuổi cần:

- Đi khám để xác định bệnh.

- Tập thể dục thường xuyên và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.

- Áp dụng chế độ ăn lành mạnh, nhiều chất xơ, rau xanh.

- Kiểm soát huyết áp cao và cholesterol cao khi tuổi còn trẻ.

- Nhận biết và kiểm soát bệnh tiểu đường.

- Tránh uống rượu, hút thuốc, không dùng ma túy.

Một trong những khác biệt lớn giữa đột quỵ tuổi già và đột quỵ ở tuổi trẻ là khả năng phục hồi. Ở nhóm bệnh nhân trẻ, khả năng sống sót là 90% so với 40% ở nhóm tuổi già; 90% có thể sống độc lập so với 40% người già bị đột quỵ; 50-70% có thể trở lại làm việc sau khi đột quỵ và tỷ lệ tái phát bệnh ít hơn hẳn.

"Chìa khóa để kiểm soát đột quỵ ở nhóm tuổi trẻ là xác định và điều trị nguyên nhân cơ bản. Giảm yếu tố nguy cơ, cũng giống như với đột quỵ nhóm lớn tuổi cách ngăn ngừa đột quỵ lần đầu tiên hay tái phát", Tiến sĩ Russman nói.

aFamily

đột quỵ, tăng huyết áp, cục máu đông, đột quỵ ở trẻ sơ sinh


      © 2021 FAP
        2,148,700       34