Thể thao

Ngày 21-6, tản mạn nhà báo thể thao

Có câu chuyện tếu táo, lời khuyên cho người hâm mộ bóng đá là hãy nghe các bình luận viên dự đoán kết quả và... "bắt" ngược lại, chắc trúng! Đau, nhưng không phải không có lý do. Có những nhà báo ngồi bên ta mà "một tấc đến trời", đưa ra "lời khuyên" cho các chiến lược gia lừng danh thế giới,...

Có câu chuyện tếu táo, lời khuyên cho người hâm mộ bóng đá là hãy nghe các bình luận viên dự đoán kết quả và... “bắt” ngược lại, chắc trúng! Đau, nhưng không phải không có lý do. Có những nhà báo ngồi bên ta mà “một tấc đến trời”, đưa ra “lời khuyên” cho các chiến lược gia lừng danh thế giới, như: Mourinho, Wenger, Guardiola, Ancelotti... nên (hay không nên) mua sắm ngôi sao nào, phải chơi ra sao...?!

Ảnh minh họa. Nguồn: Intenet
Ảnh minh họa. Nguồn: Intenet

Có một nghịch lý, có lẽ đội ngũ “nhà báo” thể thao xứ mình đông, “hùng hậu” nhất so với báo chí thế giới. Nhiều người tự bỏ tiền túi sắm sửa, trang bị đồ nghề mà chẳng cần lương lậu, chỉ để được làm cộng tác viên vác máy ảnh đi tới đi lui, xuất hiện ở các sự kiện thể thao, dưới con mắt hàng ngàn khán giả... cho oách. Trong khi đó, các tổng biên tập luôn than, kiếm một phóng viên viết kinh tế, xã hội không hiếm, nhưng tìm một phóng viên mảng thể thao không dễ, bởi không thể đào tạo mà được. Một phóng viên thể thao ngoài am hiểu chuyên môn, khả năng viết lách thì yếu tố quan trọng là phải say mê thể thao. Nhưng từ một “phóng viên” đến “nhà báo” thể thao (nhiều người không hiểu thường đánh đồng) lại là một khoảng cách rất xa, nó đòi hỏi kiến thức xã hội, vốn sống, mối quan hệ hành nghề và phong cách hành văn, thổi hồn bài viết. Có những nhà báo thể thao nổi tiếng chỉ cần nghe, đọc qua, không nhìn tên cũng biết ngay tác giả, như: Huyền Vũ, Chánh Trinh, Tường Vi... (và ngược lại có những tờ báo người ta chỉ tìm tên tác giả mới xem bài). Bây giờ có mấy cái tên nhà báo thể thao đi vào lòng độc giả?

Có một định nghĩa của nước ngoài về nhà báo (bình luận viên) bóng đá như sau: đó là người chiều thứ bảy sẽ nói cho bạn biết đội nào thắng và sáng thứ hai sẽ giải thích cho bạn hiểu... vì sao đội đó thua(!?!). Nghe qua tưởng chuyện tiếu lâm, nhưng liên tưởng đến cuộc trò chuyện với cố nhà báo Chánh Trinh (Lý Quý Chung) khi tôi mới chập chững vào nghề thì không sai chút nào. Ông chia sẻ đại ý, một trận đấu bóng đá đã có hàng triệu người theo dõi tại sân và qua truyền hình, vậy thì một nhà báo thể thao phải cung cấp được cho độc giả cái mà họ “xem” nhưng không “thấy”. Một bí quyết đơn giản nhưng đòi hỏi người làm báo phải có con mắt... thứ 3(!) để tìm ra “lát cắt”, góc nhìn.

Chính vì vậy không ngạc nhiên khi con trai út của ông - bình luận viên Lý Quý Chánh kể rằng đám tang nhà báo Chánh Trinh có một người bán báo dạo đến xin đốt nén nhang để cảm ơn vì “những bài báo của ông đã nuôi sống gia đình tôi mấy chục năm qua”. Còn phần thưởng nào hơn với một người làm báo?

Minh Chung

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        937,840       32