Xã hội

Điểm dừng chân của những mảnh đời khốn khó

PN - Hơn ba năm qua, Tổ hợp may Hùng Luyện (số 77/2 đường Chuyên Dùng 9, KP.3, P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM) là nơi tạo việc làm, dạy nghề miễn phí cho rất nhiều hội viên phụ nữ (PN) nghèo.

Nằm trong con hẻm rộng, thoáng mát, ngôi nhà của chị Lương Thị Luyện (SN 1966, KP.3, P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM) luôn có nhiều thợ, học viên đang học việc trên những chiếc máy may công nghiệp. Bị thu hút bởi các sản phẩm như quần áo, thảm lau với mẫu mã đa dạng, nhiều màu sắc, chúng tôi không ngờ đây là sản phẩm do người khuyết tật (KT) làm. Cơ sở may tư nhân của chị Luyện chuyên sản xuất quần áo người lớn, trẻ em xuất khẩu sang thị trường Đông Âu, châu Phi và nội địa. Nơi đây có khoảng 30 nhân công; trong đó có đến 10 thợ là người KT, số còn lại là PN nghèo.

Năm 2011, từ Q.Tân Bình, cơ sở may của vợ chồng chị Luyện dời về Q.7. Qua tìm hiểu, chị biết nhiều chị em trong xóm vẫn chưa có việc làm, cơ sở cũng thiếu nhân lực nên chị quyết định mở lớp dạy nghề miễn phí cho mọi người vừa học vừa làm. Tiếng lành đồn xa, nhiều người từ nơi khác tìm đến xin học nghề. Hễ ai có nhu cầu, chị Luyện đều sẵn lòng truyền nghề.

Khi được hỏi làm cách nào để dạy cho người KT (câm điếc) khi không thể giao tiếp với họ, chị Luyện cho biết: “Ban đầu cũng gặp trở ngại, nhưng về sau thì quen dần. Mình hướng dẫn thực hành, cô làm đến đâu, trò nhìn và làm theo đến đó. Nếu sai thì mình sửa lại để các em rút kinh nghiệm. Cứ thế, từ các sản phẩm mắc lỗi, chưa đẹp, nay các em đều đã “lên tay” và thạo nghề. Nhờ chịu khó, cần mẫn nên sản phẩm của các em làm ra không kém gì những thợ bình thường thạo nghề khác. Chẳng những làm theo các mẫu có sẵn, nhiều em đã sáng tạo ra các mặt hàng, mẫu mã mới”. Cầm trên tay tấm thảm lau, chị Luyện khoe: “Từ những mảnh vải vụn, các em đã ghép thành sản phẩm thảm sàn nhà, thảm lót bàn, ghế… với đủ kiểu dáng. Hiện sản phẩm được các chủ hàng đặt may nhiều”.

Chị Luyện (người đứng) đang hướng dẫn học viên may sản phẩm

Em Lê Thanh Ánh Nguyệt (H.Nhà Bè) viết: “Em làm ở đây từ những ngày đầu tổ may thành lập, nhờ cô Luyện chỉ dạy mà em đã có cái nghề nuôi sống bản thân với mức lương ổn định”. Cả hai vợ chồng chị Thủy Hoa, anh Trường Sơn (quê Long An) đều mất khả năng nói sau tai nạn bất ngờ. May mắn đã mỉm cười khi anh chị được chị Luyện tận tình giúp đỡ, nay cả hai đã có việc làm với mức lương cả hai cộng lại từ bảy-tám triệu đồng/tháng.

Chị Luyện cho biết thêm: “Ở đây làm theo công đoạn, tính lương theo sản phẩm. Khâu cắt, ráp may đều do các em KT đảm nhận; ưu tiên các dì lớn tuổi làm khâu gấp xếp, đóng bao bì… Người mới vào lương khoảng hai-ba triệu đồng/tháng; khi đã thạo nghề lương từ năm-sáu triệu đồng/tháng. Với những người ở xa, không có điều kiện đi lại, cơ sở có chỗ ăn nghỉ cho họ”.

Ban đầu chị Luyện muốn giúp đỡ những người thất nghiệp có việc làm, sau này cơ sở trở thành điểm “dừng chân” của nhiều mảnh đời khốn khó. Thấy chị em có con nhỏ nhưng không giữ con được vì bận mưu sinh, chị Luyện dành một tầng lầu làm nơi giữ trẻ miễn phí cho con em công nhân tại đây. Chị bộc bạch: “Nhiều người muốn gửi con ở trường công nhưng lại không có hộ khẩu, còn trường tư thì chi phí lại cao, họ không kham nổi. Để mọi người an tâm làm việc, sắp tới tôi sẽ đưa các cháu về đây, thuê hẳn giáo viên mầm non chăm sóc; vừa đảm bảo an toàn, vừa đỡ đần một phần kinh tế cho cha mẹ các cháu”.

Nhiều năm qua, biết được việc làm thiện nguyện của chị Luyện, Hội LHPN Q.7 đã trở thành cầu nối khi giới thiệu cho nhiều chị em hội viên PN nghèo, người KT tại địa phương và vùng lân cận tìm đến cơ sở xin việc. Mặt khác, Hội PN cũng hỗ trợ vốn vay để tổ hợp may mở rộng kinh doanh, từ đó tạo thêm nhiều việc làm cho nhiều người.

 Việt Phương

www.phunuonline.com.vn

tổ may gia công, hoạt động Hội, Điểm dừng chân, những mảnh đời khốn khó


      © 2021 FAP
        811,635       559