Kiến trúc chính quyền điện tử TP.HCM được xây dựng nhằm định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng CNTT cho các đơn vị tại TP.HCM.
Ngày 9/10, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị công bố Kiến trúc chính quyền điện tử (CQĐT) TPHCM. Đây là một kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước của thành phố, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của TP.HCM phát triển thành đô thị thông minh.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Tiến Đức |
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, ứng dụng CNTT tại TP.HCM đã được triển khai sâu rộng trong các hoạt động quản lý nhà nước, đến nay đã 753 đơn vị liên thông văn bản, điều hành qua mạng; 767 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Thành phố cũng đã đầu tư đầy đủ về hạ tầng CNTT-TT cho việc triển khai, vận hành các ứng dụng phục vụ công tác cải cách hành chính. Trung tâm dữ liệu vận hành trên nền điện toán đám mây, 805 đơn vị kết nối bằng đường truyền băng thông rộng, bảo mật (Metronet). Bên cạnh đó, cán bộ trong các cơ quan nhà nước đã có trình độ và thói quen sử dụng CNTT để giải quyết công việc hàng ngày.
Tuy nhiên, bà Võ Thị Trung Trinh cũng cho biết, thực trạng ứng dụng vẫn còn rời rạc, thiếu đồng bộ về mặt tổng thể, mức độ liên thông còn thấp. Tổ chức dữ liệu phân tán, trùng lắp, tỷ lệ số hóa chưa cao. Dịch vụ công trực tuyến còn phức tạp, thiếu thống nhất và mức độ hỗ trợ thấp… Những mặt hạn chế này theo bà là do chưa có kiến trúc CQĐT và vì vậy khả năng phục vụ dự báo, tổng hợp thông tin liên ngành, phục vụ ra quyết định thấp; dữ liệu ít được chia sẻ, chưa hợp thành nguồn tài nguyên số của thành phố, kết quả là chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp và người dân tham gia.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh sự cần thiết của khung CQĐT vì cần đồng bộ, tránh lãng phí trong đầu tư, và đáp ứng yêu cầu liên thông.
Kiến trúc CQĐT TP.HCM chủ yếu được xây dựng cho các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã tại thành phố để các đơn vị tham chiếu, tuân thủ khi xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT một cách đồng bộ, thống nhất. Kiến trúc này sẽ giúp đảm bảo các kế hoạch đầu tư về CNTT-TT của các cơ quan chính quyền thuộc thành phố đạt được thành quả đúng theo mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp, đồng thời tránh lãng phí, trùng lặp và tiết kiệm ngân sách.
Kiến trúc CQĐT TP.HCM được xây dựng dựa trên các công nghệ mới của cách mạng Công nghiệp 4.0 như Internet vạn vật (IoT), cơ sở dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ trợ lý ảo, robot thông minh,...
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các đơn vị phải đẩy nhanh việc ứng dụng các giải pháp công nghệ, triển khai rộng các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 trên các địa bàn; đầu tư phải tuân thủ theo chuẩn chung, kết nối với trung tâm dữ liệu dùng chung; các doanh nghiệp muốn tham gia cũng phải tuân thủ theo khung kiến trúc đã có. Giao cho Sở TTTT nhân rộng mô hình thành công của các sở, ngành, quận, huyện. Khung kiến trúc cũng cần được cập nhật theo thời gian để bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ.
chính quyền điện tử