Công nghệ - Sản phẩm

Các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP.HCM

TP.HCM đã và đang xem hoạt động đổi mới sáng tạo, sự tích cực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, chủ động tìm kiếm thị trường cho các ý tưởng, sáng chế và giải pháp khoa học - công nghệ là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

1. Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KHCN

Trong giai đoạn 2016-2018, ngân sách của Thành phố chi cho sự nghiệp khoa học và công nghệ là 1.546 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng trung bình 49,46% trong tổng chi ngân sách Thành phố cho khoa học và công nghệ), tăng trung bình 25%/năm. Tổng chi cho nghiên cứu khoa học là 498,844 tỷ đồng (chiếm trung bình 15,96% trong tổng chi ngân sách cho khoa học và công nghệ, Kinh phí đồng đầu tư từ doanh nghiệp, trường, viện là: 54,534 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng chi cho nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 9 ngành dịch vụ, ngành công nghiệp hỗ trợ và 7 chương trình đột phá của Thành phố là 345,399 tỷ đồng, ước chiếm khoảng 69,24% tổng chi cho nghiên cứu khoa học (chỉ tiêu đến năm 2020 dành không dưới 70% kinh phí). Riêng chi cho nghiên cứu thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu là 249,479 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trung bình 50% trên tổng chi cho nghiên cứu khoa học.

Kết quả ứng dụng sau nghiệm thu đạt tỷ lệ 90,82%, trong đó tỷ lệ ứng dụng trực tiếp 34,35% (đạt 57% so với mục tiêu đến năm 2020), tỷ lệ ứng dụng gián tiếp đạt 56,46%. Thông qua các nhiệm vụ đã tham gia đào tạo 17 tiến sỹ, 99 thạc sỹ và 137 kỹ sư, cử nhân; công bố 306 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và 44 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín; đăng ký 12 giải pháp hữu ích và bằng độc quyền.

Ngoài ra, các sở ban ngành trên địa bàn Thành phố đã triển khai ứng dụng 77 mô hình, giải pháp công nghệ trong hoạt động sản xuất, quản lý, điều hành thuộc các lĩnh vực y tế, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, y sinh, giao thông vận tải. Việc tích cực ứng dụng những thành tựu, tiến bộ khoa học công nghệ đã góp phần gia tăng hiệu quả kinh xã hội của một số ngành nghề, lĩnh vực.

2. Hoạt động kết nối, hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hỗ trợ 4 ngành công nghiệp trọng yếu

Năm 2016, Sở KHCN TP.HCM hình thành không gian thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố (Saigon Innovation Hub) - nơi kết nối các nguồn lực xã hội hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối các cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Kết nối các phòng thí nghiệm mở (OpenLab), không gian sáng chế, các trung tâm đổi mới sáng tạo, hợp tác với các mô hình OpenLab khác của các doanh nghiệp như Microsoft, Bosch,... để hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo. Kết nối hợp tác với các hoạt động ươm tạo và đổi mới sáng tạo với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh và tài chính quốc tế, cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế (Phần Lan, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Singapore, Thái Lan, Anh, Israel, Thụy Sĩ), Ngân hàng phát triển Châu Á, Microsoft Việt Nam nhằm hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động hỗ trợ ươm tạo và đổi mới sáng tạo. Việc đầu tư cho hạ tầng khoa học và công nghệ được chú trọng; giai đoạn 2016 - 2017, Thành phố đã dành 1.127.122 triệu đồng (khoảng 49,5 triệu USD) để chi đầu tư phát triển khoa học công nghệ (chiếm 55,2% tổng chi ngân sách Thành phố cho khoa học công nghệ).

Đồng thời, xây dựng và hình thành các Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho 4 lĩnh vực trọng điểm của Thành phố (Công nghệ thông tin và Truyền thông, Cơ khí - tự động hóa, Chế biến tinh lương thực - thực phẩm và Nhựa - Hóa chất - Cao su). Kết nối 3.200 cá nhân và nhóm khởi nghiệp với nhà đầu tư, chuyên gia và tổ chức tư vấn; giới thiệu, quảng bá trên 300 sản phẩm khởi nghiệp cho cộng đồng; kết nối 24 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nhà nước và tư nhân trên địa bàn Thành phố (tổng mặt bằng trên 22.000m2) với cộng đồng khởi nghiệp và các thành phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó trên 50% hình thành từ nguồn xã hội hóa. Xây dựng mạng lưới 145 chuyên gia tư vấn, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau (đầu tư - tài chính 17%, tư vấn khởi nghiệp 18%, công nghệ - kỹ thuật - pháp lý 65%) nhằm tư vấn/huấn luyện hoàn thiện mô hình kinh doanh, định hướng thị trường cho sản phẩm, cung cấp vốn đầu tư cá nhân (đầu tư thiên thần)... cho các dự án có tiềm năng; Kết nối với các quỹ đầu tư để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp như: IDG, Dragon Capital, Spring, CyberAgent Ventures, DWS Vietnam Fund, Vietnam Sillicon Valley Acclerator...

Bên cạnh đó, nhằm tạo lập, chia sẻ nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn TP.HCM, Sở KHCN Thành phố tham mưu Đề án liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ, năm 2018 triển khai thực hiện liên kết với ít nhất 10 trường đại học, viện nghiên cứu, sau đó sẽ mở rộng với các viện, trường còn lại trong những năm tiếp theo.

Sở KHCN TP.HCM hồi năm 2017 đã cùng 12 viện nghiên cứu, trường đại học và tổ chức khoa học trên địa bàn ký thỏa thuận hợp tác tham gia Hệ thống liên kết nguồn lực khoa học công nghệ.

Nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ được chia sẻ bao gồm cơ sở dữ liệu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cơ sở dữ liệu tiềm lực các phòng thí nghiệm trên địa bàn Thành phố, các tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, luận văn, luận án, giáo trình và các tạp chí khoa học và công nghệ. Xây dựng và số hóa cơ sở dữ liệu 134 phòng thí nghiệm có cung cấp dịch vụ thí nghiệm; cơ sở dữ liệu 400 chuyên gia khoa học và công nghệ cho 4 ngành công nghiệp chủ lực.

Hoạt động kết nối còn được thể hiện qua việc vận hành sàn giao dịch công nghệ cung cấp các công cụ kết nối doanh nghiệp với nhà cung cấp, các tổ chức tư vấn, tài chính, mạng lưới chuyên gia, cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế.

3. Hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện ĐMST nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế

Về đào tạo cho doanh nghiệp: đào tạo được 4.137 doanh nghiệp. Trong đó, số doanh nghiệp trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm là: 698 doanh nghiệp; Số doanh nghiệp trong các ngành khác: 3.439 doanh nghiệp.

Về tư vấn: hỗ trợ tư vấn về năng suất chất lượng, sở hữu trí tuệ, đổi mới công nghệ, sử dụng Quỹ khoa học và công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đổi mới sáng tạo,... cho hơn 1.442 doanh nghiệp. Trong đó: số doanh nghiệp trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm là: 224 doanh nghiệp; số doanh nghiệp trong các ngành khác: 1.218 doanh nghiệp.

Đại diện Sở KHCN TP.HCM tặng hoa chúc mừng 3 startup Việt được SIHUB tuyển chọn tham gia chương trình Runway To The World

Về hỗ trợ nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và sản phẩm: đã hỗ trợ cho 179 dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu và quản lý năng lượng. Một số kết quả hỗ trợ triển khai kết quả nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ cho gia công, chế tạo các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như: Công nghệ thiết kế ngược và tính toán tối ưu hóa khung xương xe buýt cho ngành ô tô (Samco Củ Chi); Công nghệ chế tạo bộ giảm tốc và khóa cửa an toàn của thang máy, chuyển giao cho các doanh nghiệp sản xuất thang máy (Thiên Nam, Thiên Long); Công nghệ chế tạo khuôn dập liên hoàn chi tiết kim loại trong ngành điện - điện tử, khuôn ép nhựa hai màu trong ngành nhựa kỹ thuật, khuôn ép nhựa trong ngành y tế (Điện Quang, Cát Thái, Duy Tân,...), Công nghệ thiết kế và chế tạo ốc vít, chi tiết nhựa cho ngành sản xuất trang thiết bị y tế (Bệnh viện chấn thương chỉnh hình, Nhà máy United HealthCare trong Khu công nghệ cao).

Về hỗ trợ thực hiện đổi mới công nghệ: đã thực hiện hỗ trợ đổi mới công nghệ cho 61 dự án thông qua Chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố với tổng kinh phí đầu tư trên 7.506 tỷ đồng. Một số dự án nổi bật như: Dự án Nghiên cứu và sản xuất các thiết bị chiếu sáng, chíp LED siêu sáng và thiết bị điện tử công nghệ cao (Chủ đầu tư: Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang; Tổng kinh phí thực hiện: 312,483 tỷ đồng); Dự án đầu tư sản xuất bóng nong mạch và STENT phủ thuốc công nghệ Nano tại Nhà máy United Healthcare (Công ty TNHH MTV Nhà máy United Healthcare; 190,322 tỷ đồng); Dự án Nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp (Hợp tác xã Tân Hiệp; 513,353 tỷ đồng); Dự án Trung tâm nghiên cứu phát triển và chế tạo khuôn mẫu Kỹ thuật cao và độ chính xác cao (Công ty TNHH Lập Phúc; 80 tỷ đồng); Dự án Khu nghiên cứu - Ứng dụng và Sản xuất Công nghệ cao Phước Thành (Phân khu 1) (Công ty Cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên; 339,472 tỷ đồng);...

Theo số liệu báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế phát triển, kết quả tính toán từ điều tra của 2.398 doanh nghiệp (do Cục Thống kê Thành phố thực hiện), tổng điểm các thành phần công nghệ của từng nhóm ngành công nghiệp trọng điểm dao động từ 28,35 đến 29,01 trên tổng số điểm tối đa là 59 điểm (áp dụng 14 tiêu chí trong tổng số 25 tiêu chí của Thông tư 04) và hệ số đóng góp công nghệ của bốn ngành công nghiệp trọng điểm dao động từ 0,48 đến 0,49 [0,3≤ <0,5]. Những thông tin này cho thấy, trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp ở các ngành công nghiệp trọng điểm của TP.HCM là trình độ công nghệ trung bình, nhưng gần đạt mức công nghệ trung bình tiên tiến.

4. Hoạt động hỗ trợ dự án khởi nghiệp sáng tạo

Trong giai đoạn 2016-2018, hoạt động hỗ trợ dự án khởi nghiệp sáng tạo đã kết nối 24 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nhà nước và tư nhân trên địa bàn Thành phố với tổng mặt bằng trên 22.000m2. Hỗ trợ kết nối trực tiếp và gián tiếp 280 dự án khởi nghiệp để giúp phát triển ý tưởng kinh doanh; Triển khai Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (SpeedUp). Kết nối 3.200 cá nhân và nhóm khởi nghiệp với nhà đầu tư, chuyên gia và tổ chức tư vấn; giới thiệu, quảng bá trên 300 sản phẩm khởi nghiệp cho cộng đồng; ký kết bản ghi nhớ với 15 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố; kết nối 24 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nhà nước và tư nhân trên địa bàn Thành phố với cộng đồng khởi nghiệp và các thành phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó trên 50% hình thành từ nguồn xã hội hóa. Xây dựng mạng lưới 145 chuyên gia tư vấn, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Kết nối với các quỹ đầu tư để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp như: IDG, Dragon Capital, Spring,... Đào tạo cộng đồng về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp: Đào tạo đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho hơn 1.523 cá nhân và nhóm khởi nghiệp, 35 người cố vấn, 115 giảng viên của 15 trường đại học (đạt tỷ lệ 58% so với chỉ tiêu của giai đoạn 2016 - 2020); Nâng cao năng lực về kiến thức tiền khởi nghiệp cho 2.300 sinh viên của hơn 35 trường đại học thông qua các buổi đào tạo, hội thảo và kết nối.

Đồng thời, thúc đẩy hoạt động truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp thông qua các hoạt động như: tổ chức tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2018 (WHISE 2018); Tổ chức Lễ Công bố Giải thưởng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (I-Star) năm 2018; Phối hợp với Sở Du lịch tổ chức Lễ Công bố Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo du lịch Thành phố Hồ Chí Minh; Triển khai các hoạt động chào mừng ngày khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5) năm 2018 với sự tham dự của nhiều thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố; Truyền thông trên cổng đổi mới sáng tạo& Khởi nghiệp: Duy trì xuất bản trung bình 5 tin bài/ngày trên 2 cổng thông tin.

5. Hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Trong năm 2018, Sở KHCN TP.HCM đã xây dựng Đề án “Xây dựng Trung tâm Thông tin thống kê khoa học công nghệ và Sàn giao dịch công nghệ”. Đề án thử nghiệm Sàn giao dịch công nghệ thông qua việc Xây dựng Cổng thông tin giao dịch công nghệ trực tuyến với phiên bản tiếng Việt và phiên bản tiếng Anh (http://techport.vn/en/), cổng thông tin có vai trò kết nối doanh nghiệp với nhà cung cấp, các tổ chức tư vấn, tài chính, mạng lưới chuyên gia, cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế. Giai đoạn 2016-2018, đã tiếp nhận 883 yêu cầu tìm kiếm công nghệ, thiết bị, trong đó cung cấp thông tin cho 661 yêu cầu, 222 yêu cầu được kết nối chuyên gia tư vấn chuyên sâu, trong đó hỗ trợ kết nối thành công 12 hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng giá trị 29,4 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm tháng 6/2018, Cổng thông tin đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ Thành phố có 3.999 công nghệ thiết bị và 559 nhà cung ứng; số tổ chức, chuyên gia tư vấn là 807 (trong đó có 634 chuyên gia tư vấn); có 97 dự án, đề tài nghiên cứu kêu gọi đầu tư, tìm kiếm đối tác; có 92.016 lượt truy cập vào cổng thông tin.

Chợ công nghệ và thiết bị - Techmart cũng thu hút 351 lượt các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp tham gia giới thiệu 1.089 công nghệ và thiết bị tại các sự kiện Techmart, 188 lượt tư vấn chuyên gia, thu hút hơn 8.000 lượt khách tham dự. Đã tổ chức 24 kỳ báo cáo phân tích xu hướng công nghệ, tổ chức 18 kỳ hội thảo trình diễn công nghệ thu hút 2.515 khách tham dự từ các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành phía Nam. Đã có 23 biên bản ghi nhớ, hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết tại các sự kiện, tổng giá trị giao dịch công nghệ là 29,326 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở KHCN TP.HCM khuyến khích hình thành các tổ chức trung gian khoa học và công nghệ, có 8 tổ chức được cấp giấy chứng nhận; 145 đơn vị đang thực hiện các hoạt động dịch vụ trung gian trong thị trường khoa học và công nghệ; 56 tổ chức tư vấn về Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ và 24 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tổ chức 5 lớp về Bồi dưỡng nâng cao năng lực các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ tại Thành phố với sự tham gia của 84 học viên; Tổ chức 46 lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm về sở hữu trí tuệ với 3.250 lượt người tham dự.

6. Hoạt động tăng số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp:

Giai đoạn 2016 - 2018, trên địa bàn Thành phố có 34.113 đơn đăng ký và 14.688 văn bằng được cấp.

Nhằm mục đích tăng số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, Sở tổ chức hoạt động đào tạo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại TP.HCM ngoài việc phổ biến kiến thức chung cho cộng đồng, đã chuyển hướng sang việc đào tạo, phổ biến pháp luật theo từng loại đối tượng và xây dựng nội dung phù hợp với từng giới hoạt động chuyên môn khác nhau. Đặc biệt từ năm 2016 đến nay đã tập trung rất nhiều lớp đào tạo, tập huấn dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động đổi với sáng tạo trên địa bàn Thành phố.

Hằng năm, Sở KHCN vẫn tiếp tục phối hợp với Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ tổ chức đào tạo chuyên sâu kỹ năng quản trị tài sản trí tuệ. Đến hết năm 2017, Chương trình đã thu hút 531 người quan tâm tham dự, trong đó có 172 nhân sự đã được doanh nghiệp, trường, viện cử người tham dự ra quyết định phân công, bổ nhiệm vào các chức danh quản trị viên tài sản trí tuệ khác nhau. Có 118 tổ chức đã bước đầu thiết lập họat động quản trị tài sản trí tuệ nội bộ và ban hành các nội quy quản trị tài sản trí tuệ tương ứng.

Tọa đàm “Quản trị tài sản trí tuệ tại các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo” trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ 2018 được Sở KHCN Tp.HCM chủ trì tổ chức tại ĐH KHTN TP.HCM hồi tháng 4/2018.

7. Hoạt động đẩy mạnh KHCN và ĐMST ở cơ sở và hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHCN về nông nghiệp:

Đây là hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy sáng tạo và ứng dụng khoa học và công nghệ tại cơ sở. Do đó, Sở KHCN đẩy mạnh hoạt động thông tin, đào tạo, tiếp xúc trao đổi với các quận huyện, các sở ngành để nắm bắt yêu cầu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề trên địa bàn Thành phố.

Kết quả giai đoạn 2016-2018 cụ thể như sau:

Đối với quận huyện: có 283 mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ tại các phòng, đơn vị do quận huyện quản lý (đạt 130% chỉ tiêu). Trong đó, có một số mô hình tiêu biểu như: mô hình Bình Thạnh trực tuyến được áp dụng tại UBND quận và các phường trên địa bàn Q.Bình Thạnh; mô hình ứng dụng GIS phục vụ công tác quản lý nhà nước tại Quận 10; Quản lý chất lượng theo mô hình 5S tại 12 phòng, ban chuyên môn quận, 6 đơn vị sự nghiệp, UBND 11 phường, 2 trường học, Công an và BCH quân sự Quận 12;...

Đối với các Sở ngành: có 140 mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ tại các sở ngành. Trong đó, có một số mô hình tiêu biểu như: mô hình BSC (Balanced Scorecard) phục vụ công tác quản lý tại Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm - CASE (đơn vị trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ); mô hình giám sát hoạt động xe buýt qua hệ thống eBMS trên cơ sở GPS, camera, tổng đài 1022 và mô hình cơ sở dữ liệu tập trung về hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ (đường bộ, cầu đường bộ, chiếu sáng, cây xanh, biển báo, cấp thoát nước,...) và chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các ngành trên cơ sở ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information System) được ứng dụng tại Sở GTV;...

Đối với doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức kinh tế: Đã hỗ trợ triển khai 289 mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ tại 24 quận huyện.

Đối với làng nghề: có 4 làng nghề tại Thành phố được hỗ trợ cụ thể: Đề án phát triển thương hiệu Làng nghề bánh tráng xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi; Tư vấn phát triển thương hiệu Làng nghề hoa kiểng Thủ Đức; hỗ trợ Làng nghề se nhang Lê Minh Xuân - Bình Chánh hệ thống trộn và đóng bao bột nhang; Mô hình nuôi cua trên ruộng muối tại Làng nghề muối Lý Nhơn, huyện Cần Giờ.

Đồng thời, Sở KHCN chủ trì tập huấn các nội dung thuộc các lĩnh vực khác nhau của khoa học và công nghệ: Sở KHCN và UBND các quận/huyện đã tổ chức 317 lớp tập huấn cho 29.546 lượt cán bộ công chức; 31 lớp đào tạo về năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo cho 767 cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp, cơ sở,... tại quận huyện; Đào tạo được 445 cán bộ quản lý, kỹ thuật viên (Sở Khoa học và Công nghệ: 73; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: 180; Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao: 157; Tổng Công ty Nông nghiệp Sài gòn: 35) và 5.170 lượt nông dân (Sở Khoa học và Công nghệ: 1.200; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: 989; Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao: 2.537; Tổng Công ty Nông nghiệp Sài gòn: 444); có 5.670 giáo viên và 79.488 học sinh của 409 trường học được đào tạo về STEM; 781 câu lạc bộ sáng tạo tại 265 trường học trên địa bàn quận huyện.

Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả công việc. Từ 2016 - 6/2018, các quận huyện, sở ngành đã xét và công nhận 22.440 sáng kiến cấp cơ sở và tổ chức 251 phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả công việc. Ước tính số liệu cả năm 2018, giai đoạn 2016-2018, sẽ xét và công nhận 27.881 sáng kiến cấp cơ sở và tổ chức 296 phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến. Tiếp nhận 150 bài dự thi cuộc thi Sáng kiến cộng đồng, trong đó có một số sáng kiến tiêu biểu như: sáng kiến “chế áo phao từ chai nhựa”; sáng kiến “dạy văn học bằng... game”, sáng kiến “thiết bị cảnh báo co giật động kinh”; sáng kiến tủ cứu thương miễn phí, sáng kiến gậy dẫn đường thông minh dành cho người khiếm thị;...

Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về KHCN và các lĩnh vực liên quan như đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đô thị thông minh, cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp công nghệ cao luôn được Sở KHCN TP.HCM và các nhóm báo trực thuộc như tạp chí Thế giới Vi tính, tạp chí điện tử Khám Phá, nội san STInfo và cổng thông tin điện tử TechPort.vn (do CESTI quản lý) chủ động triển khai với số lượng tin bài đều đặn, nội dung phong phú và có chiều sâu, mang tính học thuật cao.

PCWorld

Các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP.HCM


      © 2021 FAP
        3,386,510       657